Cột sống có vai trò hết sức quan trọng trong mọi hoạt động sống của con người. Cột sống là trụ cột của cơ thể, là chỗ dựa vững chắc cho các hệ thống cơ quan phát triển, bảo vệ tuỷ sống, giảm sóc cho bộ não. Nhờ có cột sống mà cơ thể có thể vận động linh hoạt, quay sang trái, sang phải, cúi hoặc ưỡn, nhún nhảy một cách dễ dàng, tạo cho cơ thể có nhiều tư thế khác nhau. Bệnh cong vẹo cột sống là những biến dạng cột sống làm lệch hình thể. Bệnh làm lệch trọng tâm cơ thể, khiến học sinh ngồi học không được ngay ngắn, gây cản trở việc đọc, viết, do vậy ảnh hưởng đến kết quả học tập. Bệnh còn làm ảnh hưởng tới hoạt động của tim, phổi, phát triển của hệ khung xương.
1. Cong vẹo cột sống là bệnh gì?
Cong vẹo cột sống là một dạng dị tật ở cột sống thường gặp, khi cột sống bị cong bất thường sang một phải hoặc bên trái. Bệnh gây nguy hiểm vì nó để lại nhiều biến chứng gây ảnh hưởng đến các cơ quan xung quanh nó như biến dạng khung ngực, khung chậu, ảnh hưởng tim, phổi… Bệnh còn có các các tên gọi khác như trẹo cột sống, lệch cột sống.
2. Nguyên nhân gây ra cong vẹo cột sống
85% nguyên nhân gây ra chứng cong vẹo cột sống là nguyên nhân tự phát ở tuổi vị thành niên. Đa số là trẻ ở trong độ tuổi đến trường đều có nguy cơ bị vẹo cột sống do mang cặp sách nặng làm vai bị lệch, ngồi học bàn ghế không đạt tiêu chuẩn tạo ra tư thế học tập sai.
Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như:
• Di truyền: Lệch cột sống từ lúc sinh ra.
• Các yếu tố tác động trong quá trình người mẹ đang mang thai khiến cơ thể trẻ không kịp thích ứng dẫn đến cột sống của trẻ bị chèn ép, cong vẹo.
• Các bệnh lý về cơ, thần kinh, suy dinh dưỡng khiến cột sống phát triển bất thường.
• Do mắc hội chứng bàn chân bẹt: Có đến 30% trẻ em châu Á mắc phải hội chứng này. Đây là tình trạng bàn chân không có vòm hay lõm, khiến chân bị xoay đổ vào trong khiến các khớp gối cũng bị xoay lệch lâu dần gây ra chứng vẹo cột sống.
• Nhiều trường hợp trẻ em mắc cong vẹo do người lớn cho trẻ tập đứng, tập đi quá sớm.
3. Nhận biết dấu hiệu cong vẹo cột sống
Khi bị vẹo cột sống, có thể nhận biết được với các dấu hiệu sau:
• Phần bả vai có sự chênh lệch rõ rệt, bên thấp bên cao, độ lệch vẹo của xương sống và đoạn vẹo nghiêng về bên nào thì bả vai bên đó thấp hơn.
• Quan sát lưng từ phía sau: Cột sống không theo đường thẳng mà có những đoạn cong bất thường, các đốt sống gồ cao lên, xoáy vặn nhiều kiểu, hai đường hõm vào bên eo cũng có thể khác nhau.
• Quan sát phần hông: Bên thấp bên cao, thấy những lằn xương sườn hằn ra ngoài da một bên.
• Cơ thể mất sự cân đối, nghiêng về một bên.
• Vẹo cột sống làm cổ bị kéo lệch về một phía.
4. Các mức độ cong vẹo cột sống
Bệnh cong vẹo được chia làm ba giai đoạn, mỗi giai đoạn đều ảnh hưởng nhất định đến hoạt động bình thường của cơ thể.
Giai đoạn nhẹ: 10 – 25 độ
Cong vẹo cột sống nhẹ khiến nhiều người tâm lý chủ quan không can thiệp điều trị sớm khiến bệnh tiến triển theo thời gian, dần trở nên nghiêm trọng.
Giai đoạn trung bình: 26 – 40 độ
Đây được đánh giá là giai đoạn có tỷ lệ phát triển đến 68%. Ở mức độ này, sườn và vai nhìn thấy sự lệch rõ ràng hơn, đặc biệt là khi uốn cong về phía trước, khiến cơ thể bất đối xứng, ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc và tâm lý của người bệnh.
Giai đoạn nặng: trên 40 độ thường gặp ở độ tuổi thanh thiếu niên, trên 50 độ ở người lớn
Ở giai đoạn này, sự thay đổi rõ rệt nhất có thể nhìn thấy là tư thế và ngoại hình. Độ cong vẹo càng tăng trên 75 độ càng gây ra các vấn đề nghiêm trọng ở phổi và tim do xương ngực chèn ép lên nội tạng.
5. Tác hại của cong vẹo cột sống
Cong vẹo cột sống gây ra nhiều hậu quả như:
• Gây tổn thương tim và phổi: Nhiều trường hợp cong vẹo nghiêm trọng khiến khung sườn đè lên phổi và tim. Lúc này, khi lồng ngực ép vào phổi, người bệnh còn có thể thấy khó thở hơn bình thường. Trong khi đó, nếu lồng ngực ép vào tim sẽ cản trở việc bơm máu gây suy tim và các vấn đề về phổi (ví dụ như viêm phổi).
• Gây ra cảm giác tự ti: Các dấu hiệu trên cơ thể thay đổi như vai không đều, xương sườn nổi rõ, thắt lưng và thân mình bị lệch sang một bên khiến người trẻ tuổi thường cảm thấy rất tự ti về ngoại hình của mình.
• Đau lưng khi lớn tuổi: Trẻ bị cong vẹo từ khi còn nhỏ có nhiều khả năng bị đau lưng mãn tính khi bước vào tuổi trường thành. Điều này gây ra nhiều vấn đề khó chịu và ảnh hưởng không ít đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
6. Biện pháp phòng chống cong vẹo cột sống
Đối với trẻ, thanh thiếu niên đang đi học:
• Nên đeo cặp hai vai, không đeo cặp xách nặng.
• Ngồi học tư thế chuẩn, sử dụng bàn ghế phải phù hợp, vững chắc.
• Chỗ học tập phải đủ ánh sáng.
• Lao động và tập luyện vừa sức, cân đối.
• Ăn chế độ dinh dưỡng hợp lý.