Thực phẩm không an toàn đang đe dọa đến sức khỏe của mọi người dân. Nó xuất hiện ở nhiều nơi, thậm chí là trường học - nơi được xem là môi trường an toàn của trẻ. Các loại đồ ăn vặt có chất lượng kém, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không an toàn đang là mối nguy hại tới sức khỏe của học sinh.
Có thể nhận thấy khá nhiều món ăn khoái khẩu của học trò, các loại nước uống đóng túi với đủ màu sắc, hương vị được bày bán tràn lan. Mức giá các món ăn vặt chỉ dao động từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng nên được các em học sinh săn đón nhiệt tình. Tuy vậy, phần lớn đây đều là thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bao bì, nhãn mác. Thậm chí nhiều món ăn được chế biến, bày bán sát đường đi, không được che đậy, nguyên liệu để chế biến các món ăn đều không rõ nguồn gốc, dầu, mỡ dùng để chiên rán, dùng đi dùng lại nhiều lần, dụng cụ chế biến, chứa đựng thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, không được che đậy.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn cho tiền để các con mua quà vặt, nước uống trước cổng trường. Ðiều này tiềm ẩn nguy cơ đến sức khỏe của học sinh. Những thức ăn lề đường bày bán ở nhiệt độ bình thường, môi trường nhiều bụi, không được che đậy cẩn thận nên rất dễ bị nhiễm khuẩn. Do điều kiện thiếu nước, các dụng cụ đựng, chế biến không được rửa sạch và thường bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh. Mặt khác, người chế biến thức ăn lề đường vì chạy theo lợi nhuận nên có thể mua các thực phẩm đầu vào không rõ nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh, sử dụng phẩm màu công nghiệp, đường hóa học trong chế biến thức ăn, đồ uống.
Ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn, nấm mốc, vi-rút và ký sinh trùng thường gây: sốt, tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn. Còn đối với các phẩm màu nhân tạo (không được phép sử dụng) sản sinh ra chất độc hại làm giảm sự phát triển của não bộ và có nguy cơ gây hại cho sức khỏe như: ung thư, tổn thương trên gen, độc tính cho thần kinh.
Theo điều tra, số kẹo lạ gây ngộ độc cho các em đều không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đó là những loại kẹo có bao bì bắt mắt, nhiều màu sắc, thường có vị hoa quả, bạc hà the mát. Mỗi gói kẹo chỉ có giá từ 3.000-10.000 đồng/gói, từ 12-15 viên, hoặc một túi 100-300gr, giá từ 30.000-70.000 đồng cho 100-300 viên kẹo.
Hầu hết trên bao bì những gói kẹo đều ghi chữ nước ngoài nhưng lại không hề có nhãn phụ bằng tiếng Việt thể hiện những nội dung trên sản phẩm.
Trường học là môi trường trong lành cung cấp cho chúng ta tri thức, rèn luyện đạo đức cho con người. Vậy mà môi trường ấy đang bị ô nhiễm bởi những thói hư, tật xấu của chính học sinh, mà ăn quà vặt là một hiện tượng phổ biến. Dẫu biết rằng ăn uống là nhu cầu cần thiết để duy trì sự sống nhưng ăn gì, ăn như thế nào lại là vấn đề cần quan tâm. Các loại quà bánh chứa rất nhiều các chất hóa học, phẩm màu độc hại,… gây ra các căn bệnh nguy hiểm như rối loạn tiêu hóa, sâu răng, đau dạ dày, thậm chí là ung thư.
Bên cạnh đó, ăn quà vặt còn trở thành bệnh, thành thói quen xấu khi không có tiền để ăn có thể ăn cắp, ăn trộm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển nhân cách, gây ra nhiều tệ nạn xã hội. Còn các loại giấy kẹo bánh, vỏ lon nước ngọt, vỏ sữa, … là nguyên nhân làm mất vệ sinh môi trường.
Món quà vặt phổ biến nhất trước các cổng trường phải kể đến nem chua, xúc xích rán, chân gà nướng... Với chiếc xe lưu động, chỉ thấy hàng trăm chiếc que xiên, một can dầu ăn với những túi nilong đựng thực phẩm không có bao bì, nhãn mác. Hiện nay, món ăn ngày càng có nhiều sự “cải tiến” với đủ chủng loại, đa dạng từ tôm, kẹo hồ lô đến chả mực và chả cá viên,… tất cả được rán ngập trong một thứ dầu khét lẹt đã ngả màu.
Vơ đống que xiên cũ vứt xuống dưới chân, người bán hàng chùi vội tay vào khăn để nhận tiền của khách. Sau đó, người này thản nhiên lấy chính chiếc khăn đó lau sơ qua bề mặt thùng sắt đầy dầu mỡ rồi tiếp tục thò tay bốc trực tiếp chả cá, xúc xích, chả mực,… cho vào chảo dầu. Tận mắt chứng kiến những hành động đó, nhưng dường như không một học sinh nào mảy may để ý hay gợn lên chút nghi ngại về sự an toàn của món ăn mình đang thưởng thức.
Không chỉ có thực phẩm chiên rán không rõ nguồn gốc, học sinh còn rất hứng thú với những gói bánh, kẹo, bim bim nhiều màu sắc. Trên bao bì các sản phẩm này chỉ toàn chữ nước ngoài, không thấy hạn sử dụng hay bất cứ thông tin nào rõ ràng.
Cầm trên tay miếng bánh đầy dầu mỡ, dai và có mùi ngai ngái, nhưng học sinh ai cũng ăn vì nó “ngon”.
Thực tế, chỉ nhìn bằng mắt thường, ai cũng thấy những đồ ăn chế biến trước cổng trường khó có thể bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Với những món ăn vặt được bán trong hàng quán, xe đẩy hay trên vỉa hè, không ai có thể quản lý được chất lượng cũng như độ an toàn vệ sinh thực phẩm.
Riêng việc sử dụng các loại dầu ăn không rõ nguồn gốc đã là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây hại đến sức khỏe.
Bên cạnh đó, hiện nay, các đối tượng tội phạm về ma tuý hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt, đa dạng các hình thức buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý. Trên thị trường gần đây xuất hiện hai dạng ma túy “núp bóng” được các đối tượng pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử, thảo mộc… với màu sắc sặc sỡ, hình thức bắt mắt gây ảo giác mạnh, thậm chí tử vong nếu sử dụng quá liều.
Để thực hiện tốt việc nói không với đồ ăn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, Trường Tiểu học Phúc Lợi đã thực hiện công tác tuyên truyền qua các bài phát thanh măng non, xây dựng đội xung kích học sinh với nhiệm vụ nhắc nhở nếu xuất hiện tinh trạng ăn quà vặt ngoài cổng trường.
Ngày 2/10/2023, Nhà trường và Trung tâm y tế quận Long Biên đã có buổi tuyên truyền về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học. Các em học sinh khối 4, khối 5 tham dự và đã có cho mình những bài học kĩ năng an toàn.
Để hạn chế việc học sinh sử dụng đồ ăn vặt, các gia đình và nhà trường cần có sự phối hợp chặt chẽ để giải quyết. Các bậc phụ huynh nên hạn chế việc để con em mình sử dụng đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc, bày bán trước cổng trường. Thay vào đó, chuẩn bị bữa sáng cho con ở nhà, chọn những loại thực phẩm có nhãn mác, được quản lý theo tiêu chuẩn chất lượng, thương hiệu rõ ràng. Về phía nhà trường, cần có công tác quản lý học sinh, tuyên truyền để giúp các em tự ý thức bảo vệ sức khỏe của mình. Các bậc phụ huynh nên quan tâm, nhắc nhở, hướng dẫn con em chọn mua những sản phẩm chất lượng, tránh xa các loại bánh kẹo, thực phẩm không bảo đảm an toàn vệ sinh. Mỗi người nên nói "không" với hàng rong không được che đậy, quán vỉa hè ẩm thấp, bụi bặm, gần cống rãnh, thiếu nước sạch.