TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG TAI NẠN THƯƠNG TÍCH
Tai nạn thương tích (TNTT) thường bất ngờ xảy ra, không có nguyên nhân rõ ràng, khó lường trước được và gây ra những thương tổn trên cơ thể người và có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi nhất là ở lứa tuổi học sinh. Vì ở lứa tuổi này các em thường hiếu động, thích tò mò, nghịch ngợm và chưa có kiến thức, kỹ năng, phòng tránh nên rất dễ bị tai nạn thương tích. Nhằm hạn chế nguy cơ tử vong do TNTT chúng ta cùng tìm hiểu về TNTT và các biện pháp phòng tránh và sơ cấp cứu kịp thời qua một số biện pháp sau.
Các loại tai nạn thương tích thường gặp đối với trẻ tiểu học:
1. Phòng tránh tai nạn giao thông cho trẻ em.
Là những va chạm xảy ra nằm ngoài ý muốn của con người do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan của người tham gia giao thông gây. Đối với học sinh tiểu học tai nạn xảy ra do cha mẹ chủ quan để các anh chị đèo em bằng xe đạp và bằng xe máy đến trường hoặc không đội mũ bảo hiểm cho trẻ khi tham gia giao thông.
2. Các tai nạn do ngã: Chủ yếu do trơn trựơt, vấp ngã do đường đi mấp mô và thường xảy ra ở nơi vui chơi
3. Đuối nước : Do trẻ bị ngã vào xô- chậu có nước, một số trường, lớp, sân chơi của trẻ gần ao, hồ, sông suối nhưng không có tường bao quanh, cổng chắn cũng là nguyên nhân dẫn tới trẻ bị đuối nước…
4. Các tai nạn do ngộ độc:
Chủ yếu do ngộ độc thực phẩm, ăn phải quả độc, thức ăn có dược phẩm độc hại, do uống nhầm thuốc…
5. Tai nạn thương tích gây ra do vật sắc nhọn:
Thường xảy ra ở nơi vui chơi: do trẻ đùa nghịch sô đẩy nhau, dùng que làm kiếm nghịch, đấu kiếm, chọc nhau. Trẻ vô tình chọc vào mắt gây chấn thương mắt rất nguy hiểm. Trẻ có thể cầm gạch, sỏi ném đùa nhau, va vào các bậc thềm gây rách da, chấn thương phần mềm, gẫy xương.
6. Điện giật:
Đây là tai nạn thương tích xảy ra do tiếp xúc với nguồn điện dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng như bỏng hay tử vong.
*MỘT SỐ BIỆN PHÁP PHÒNG TRÁNH:
Để phòng tránh tối thiểu các tai nạn thương tích xảy ra tại trường hay ở nhà, giáo viên cũng như các bậc cha mẹ trẻ có ý thức và thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa.
1. Phòng tránh tai nạn giao thông cho trẻ em.
- Trường đã có cổng, hàng rào. Trong giờ học, giờ chơi phải đóng cổng, không cho trẻ chạy ra đường chơi khi trường ở gần đường. Có biển báo trường học cho các loại phương tiện cơ giới ở khu vực gần trường học.
- Tuyên truyền phụ huynh không đi xe máy trong sân trường, không để trẻ chưa đủ tuổi tham gia giao thông chở em đi học. Không điều khiển xe sau khi uống bia, rượu, đồ uống có cồn. Mọi người khi tham gia giao thông cần nghiêm chỉnh chấp hành luật an toàn giao thông, đội mũ bảo hiểm cho trẻ em trên 6 tuổi khi đi xe máy.
- Hướng dẫn học sinh thực hiện luật an toàn giao thông: Trẻ em không đi xe đạp hàng ba. Không đùa nghịch đu bám tàu xe. Không đua xe, không phóng nhanh vượt ẩu. Trẻ nhỏ khi qua đường cần có người lớn đi kèm.
2. Phòng ngã:
- Sân trường cần bằng phẳng và không bị trơn trượt. Cửa sổ, hành lang, cầu thang phải có tay vịn, lan can. Bàn ghế hỏng, không chắc chắn phải được sửa chữa ngay. Dụng cụ thể dục thể thao phải chắc chắn, đảm bảo an toàn.
- Thường xuyên nhắc nhở trẻ không chạy nhảy, nô đùa, xô đẩy nhau khi ở nhà, ở trường, trên đường đi học, đi chơi. Dạy trẻ không được leo trèo: trèo cây, trèo tường, cột điện, cầu thang...
3. Phòng ngừa đuối nước
- Tìm hiểu luật đường thủy; Không tắm sông, ao, hồ.. khi đi qua sông đi đò phải mặc áo phao cứu sinh. Phải học cách bơi có người hướng dẫn… Không cho trẻ ra gần ao hồ, sông suối một mình .
- Trẻ em cần rèn luyện thể lực và biết bơi theo quy định. Khi đi bơi phải tuân thủ quy tắc an toàn.
4. Phòng ngừa ngộ độc thức ăn:
- Phải ăn thức ăn chín, uống nước đun sôi. Không bán quà bánh trong trường và không ăn hàng rong xung quanh cổng trường. Không ăn quà, thức ăn chưa biết rõ nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng….
5. Phòng tai nạn thương tích gây ra do vật sắc nhọn
- Không để vật sắc nhọn gần trẻ, những nơi trẻ với tới.
- Khi cho trẻ sử dụng kéo trong hoạt động tạo hình giáo viên hướng dẫn trẻ cách sử dụng kéo và dạy trẻ không được đùa giởn trong khi sử dụng kéo.
6. Phòng ngừa điện giật
- Luôn kiểm tra các đồ dùng bằng điện, che kín các ổ điện ở thấp không cho trẻ nghịch. Hệ thống điện trong lớp phải an toàn: không để dây trần, dây điện hở, bảng điện để cao.
- Để phòng tránh bị điện giật, các em HS cần: Không thò ngón tay, chọc que kim loại vào ổ điện. Không nghịch đồ điện khi đang được cắm điện. Không đi chân đất, dùng tay ướt, đứng ở chỗ ẩm ướt để cắm phích cắm vào ổ điện hoặc để bật công tắc, cầu dao điện. Không dùng que để khều, lấy đồ vật bị mắc trên dây điện. Không đến gần tủ điện, leo trèo cột điện.
* Trường có cán bộ theo dõi về y tế học đường và có tủ thuốc cấp cứu
Còn rất nhiều nguy cơ dẫn đến tai nạn thương tích ở trẻ em nhưng cách phòng ngừa hiệu quả nhất là sự quan tâm chú ý của người lớn khi trông trẻ. Chỉ một phút thiếu tập trung có thể dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, người lớn cần trang bị cho trẻ nhỏ những kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất để tự bảo vệ mình từ khi trẻ bắt đầu hình thành những ý thức đầu tiên. Vì tương lai tốt đẹp của con em chúng ta, mỗi người hãy nâng cao ý thức chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, tạo môi trường an toàn và lành mạnh để trẻ em phát triển toàn diện, góp phần xây dựng một tương lai tươi sáng cho đất nước.
Tác giả: Nguyễn Mỹ Linh