Theo số liệu thống kê từ UNICEF, mỗi ngày có đến 720.000 hình ảnh liên quan lạm dụng trẻ em trên thế giới được đưa lên internet. Còn theo số liệu của Bộ Công an , trong 5 năm , từ 2012-2016, cả nước phát hiện trên 8200 vụ xâm hại tình dục trẻ em với gần 10.000 nạn nhân. Riêng trong năm 2016 xảy ra 1248 vụ xâm hại tình dục và có 1.211 trẻ bị xâm hại. Tuy nhiên, con số này chỉ là những vụ việc được báo cáo, còn rất nhiều vụ nạn nhân bị kẻ xâm hại dọa dẫm hoặc vì lý do nào đó mà không được thống kê.
Tháng hành động vì trẻ em năm nay với chủ đề: “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số” sẽ được tổ chức để thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tuyên truyền phổ biến, vận động các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án, xây dựng các công trình và vận động nguồn lực cho trẻ em.
Mục đích, nội dung của Tháng hành động vì trẻ em năm nay đó là đảm bảo thực hiện tốt hơn quyền trẻ em, đặc biệt là quyền được tham gia vào các vấn đề của trẻ em và quyền được bảo vệ để không bị xâm hại trong thế giới công nghệ số; Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà trường và gia đình trong việc phát huy các tác động tích cực, hạn chế các tác động tiêu cực của thế giới công nghệ số đến sự phát triển toàn diện của trẻ em; Thúc đẩy việc phổ biến, giáo dục, kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ số an toàn, lành mạnh, kỹ năng phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng cho cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và trẻ em; Thực hiện “ Mùa hè an toàn cho trẻ em”, tổ chức thực hiện tốt phối hợp giữa nhà trường, gia đình và chính quyền cơ sở, các tổ chức, đoàn thể trong việc quản lý trẻ em.
Cách các bậc phụ huynh lâu nay vẫn thường làm để bảo vệ trẻ trên môi trường mạng là cấm đoán. Tuy nhiên, cấm không phải là biện pháp hay, nhất là vào mùa hè, trẻ không phải đi học và có nhiều thời gian ở nhà vào mạng.“Cha mẹ không có nhiều thời gian và cũng không thể quản lý con về mặt thời gian. Vì vậy, thay vì cấm đoán, chúng ta nên trò chuyện, giúp trẻ nhận biết các mánh khóe của kẻ xấu, có kỹ năng đề phòng khi tham gia vào mạng xã hội”. Kẻ xấu có nhiều mánh khóe khác nhau để dụ dỗ trẻ như: cho tiền ăn kem, chơi game, rủ đi chơi… Tuy nhiên, dụ dỗ trẻ cung cấp hình ảnh, truyền trực tiếp hình ảnh khỏa thân qua Facebook và các phần mềm giao tiếp xã hội là hình thức mới và đang gia tăng. Các bậc phụ huynh và cơ quan chức năng cần lưu tâm vấn đề này.