Như chúng ta đã biết răng miệng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sức khoẻ con người. Răng đảm nhiệm việc nhai và nghiền thức ăn để cung cấp các chất dinh dưỡng cho cơ thể. Ở người nhờ có hàm răng khoẻ mạnh giúp chúng ta ăn ngon miệng hơn, tiêu hoá tốt hơn, phát âm đúng, nói rõ, đọc chuẩn, hát hay, có nụ cười đẹp và gương mặt dễ thương.
Cho đến nay, bệnh răng miệng thường gặp nhất ở lứa tuổi học sinh là bệnh sâu răng. Bệnh sâu răng là một bệnh phá hoại cấu trúc của răng làm răng bị hỏng, do vi khuẩn trong miệng làm lên men thức ăn dính ở răng gây sâu răng, do vệ sinh răng miệng kém, ăn uống không đủ chất, ăn nhiều đồ ngọt... đồng thời không biết cách vệ sinh răng miệng đúng cách sẽ ảnh hưởng đến răng của chúng ta.Khi bị sâu răng sẽ làm cho chúng ta đau đớn, biếng ăn, mất ngủ, gầy sút cân sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng. Nếu không được chữa trị, bệnh này có thể dẫn đến đau răng, rụng răng, nhiễm trùng răng.
Vì vậy muốn trẻ có hàm răng đẹp, trẻ phải được chăm sóc ngay từ khi mang thai, đó là cần thực hiện chế độ dinh dưỡng thai nhi tốt, đầy đủ chất cần thiết cho sự phát triển hàm răng đẹp, khỏe của trẻ sau này như canxi, các loại vitamin có trong thức ăn. Trong thời kỳ trẻ thay răng sữa sang răng vĩnh viễn cũng cần bổ sung các chất cần thiết đó cho trẻ và hướng dẫn trẻ cách vệ sinh răng miệng đúng cách
Để phòng bệnh, mọi người cần phải chú ý những điều sau:
1. Đánh răng đều đặn, đúng cách mỗi ngày 2 đến 3 lần vào buổi sáng khi thức dậy, sau mỗi bữa ăn và buổi tối trước khi đi ngủ.
2. Chọn những thức ăn giàu canxi, vitamin D tốt cho răng như tôm, cua, sò, ốc, sữa, phomat, trái cây, rau củ quả ..
3. Tránh ăn quà vặt, đặc biệt là các món có lượng đường cao như nước ngọt, xirô, bánh kẹo. Không ăn các thức ăn quá nóng, quá lạnh, quá chua, quá cứng sẽ làm yếu và hỏng men răng. Nên hạn chế dùng các món ăn có độ dẻo vì chúng rất dễ bám quanh răng, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi. Nên súc miệng sau khi ăn uống đồ ngọt.
4. Dùng thuốc đánh răng có Fluor, súc miệng nước Fluor để phòng chống sâu răng. Fluor có tác dụng làm cho men răng cứng hơn, do vậy chống đỡ với vi khuẩn tốt hơn.
5. Khám răng định kỳ 6 tháng một lần để dự phòng sâu răng.
Trên đây là một số kiến thức để chúng ta hiểu hơn về nguyên nhân, các bệnh thường gặp và cách phòng chống bệnh răng miệng. Vậy chúng ta hãy hướng dẫn và vệ sinh răng miệng cho trẻ thật tốt để phòng chống các bệnh răng miệng . Mong rằng nó sẽ giúp ích cho tất cả các em. Xin chân thành cảm ơn!
Bệnh sâu răng và bệnh viêm lợi là chứng bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, trong đó nhiều nhất là trẻ em.
1. Bệnh sâu răng
Bệnh thực chất là sự tiêu huỷ cấu trúc vôi hoá chất vô cơ (tinh thể can-xi) của men răng và ngà răng, tạo nên lỗ hổng trên bề mặt răng do vi khuẩn gây ra.
Hậu quả là sâu răng dẫn đến viêm tủy răng, tủy chết, viêm quanh cuống răng, áp xe quanh cuống răng, sâu răng có thể làm vỡ răng, sâu răng làm giảm thẩm mỹ, gây hôi miệng, ảnh hưởng đến giao tiếp.
Bảo vệ răng khỏi bị sâu là điều mà các bậc cha mẹ luôn phải lưu tâm, đây là chứng bệnh rất thường gặp ở trẻ lên tới hơn 80% trẻ bị sâu răng sữa. Sâu răng không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe nói chung mà còn liên quan tới sự trưởng thành và phát triển thẩm mỹ của trẻ về sau. Vì vậy ngay từ khi còn bé, bố mẹ nên chủ động phòng chống sâu răng và hướng dẫn trẻ cách đánh răng cũng như chủ động bảo vệ răng. Hãy cho bé tập làm quen với nha sĩ trong những lần đi nhổ thay răng để bé không sợ mỗi khi khám răng. Đặc biệt cố gắng giảm lượng đường vì trẻ thường thích đồ ngọt và ngại đánh răng.
Nguyên nhân bệnh sâu răng:
Có 3 nguyên nhân quan trọng gây bệnh sâu răng là vi khuẩn, đường (trong thức ăn) và thời gian. Vi khuẩn luôn tồn tại trong miệng. Còn đường thường tồn tại từ 20 phút đến khoảng 1 giờ trong miệng sau khi ăn, tuỳ thuộc vào hình thức chế biến trong thức ăn (đặc quánh hay lỏng, loãng). Vi khuẩn gây bệnh sâu răng tồn tại và bám trên bề mặt răng nhờ lớp mảng bám răng. Vi khuẩn sử dụng đường trong thức ăn và đồ uống để tạo và phát triển các mảng bám răng. Đồng thời chúng tiêu hoá đường để tạo a-xit, ăn mòn dần các chất vô cơ ở men răng và ngà răng, làm thành lỗ sâu. Các đối tượng có nguy cơ bị bị sâu răng sớm bao gồm trẻ thường xuyên dùng các thức uống, thức ăn có đường, có cha mẹ hoặc các anh chị em ruột bị sâu răng, trẻ có dị dạng ở răng…
Dấu hiệu của bệnh sâu răng:
Bình thường bệnh sâu răng có tốc độ phát triển tương đối chậm, mất khoảng từ 2 đến 4 năm để ăn sâu từ bề mặt lớp men răng đến lớp ngà răng. Khoảng từ 6 tháng cho đến 1 năm (hoặc có khi 2 năm) đầu thì bệnh thường tiến triển mà không tạo lỗ trên bề mặt răng. Có thể chỉ là những đốm trắng đục hoặc nâu trên mặt nhai hoặc ở kẽ giữa hai răng. Do đó mọi người thường không nhận thấy. Khi lỗ sâu còn nông thì không đau. Chỉ đến khi lỗ sâu lớn, ăn vào lớp ngà răng thì mới thấy đau với cường độ nhẹ. Răng bị sâu sẽ ê buốt khi có kích thích nóng lạnh, chua ngọt, khi lỗ sâu tiến sát tủy răng thì tủy răng sẽ bị viêm, bệnh nhân bị đau tủy răng từng cơn. Nếu không được điều trị, tình trạng sâu răng sẽ diễn tiến nặng hơn. Viêm tủy răng có thể dẫn đến hoại tử tủy, gây áp xe răng. Nhiễm trùng răng sữa có thể ảnh hưởng đến quá trình mọc răng vĩnh viễn. Một số trường hợp nhiễm trùng răng sữa có gây ra nhiễm trùng huyết hoặc nhiễm trùng lan các vùng khác của mặt.
Điều trị và phòng ngừa sâu răng:
Cách điều trị sâu răng phổ biến nhất là hàn răng, cần nạo sạch ngà vụn, sát khuẩn lỗ sâu và hàn kín. Trong một số trường hợp răng sâu nặng, không thể hàn được thì phải nhổ.
Để phòng bệnh, mọi người cần phải đánh răng sau khi ăn 30phút hoặc ít nhất 2 lần/ ngày, đặc biệt là đánh răng trước khi đi ngủ. Đánh răng đúng cách là việc quan trọng để làm sạch toàn bộ các răng dùng bàn chải lông mềm, chải mặt ngoài, mặt trong và mặt nhai, trên và dưới. Nên cầm bàn chải quay 45 độ về phía lợi, chải kỹ rìa lợi và cổ răng. Bạn nên dùng kem đánh răng có fluor và canxi có tác dụng làm cho men răng cứng hơn, do vậy chống đỡ với vi khuẩn và axít tốt hơn. Đối với các kẽ răng có giắt thức ăn mà bàn chải không chải hết được có thể dùng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng:
Cách sử dụng như sau: Bạn lấy một đoạn chỉ nha khoa dài khoảng 40cm, quấn chặt vào hai đầu ngón tay giữa cho tới khi cách nhau 10cm, dùng hai ngón trỏ căng sợi chỉ, dùng ngón trỏ trái hoặc phải ấn sợi chỉ vào kẽ răng còn dắt thức ăn, kéo ngang 1cm, thức ăn sẽ ra theo sợi chỉ. Những người bị tụt lợi dẫn đến hở cổ và chân răng nhiều và thưa răng cần dùng thêm bàn chải kẽ răng để làm sạch mặt tiếp giáp giữa các răng. Những răng mọc lệch lạc cần được chỉnh cho đúng vị trí vì răng mọc lệch bị bám thức ăn nhiều hơn làm tăng nguy cơ sâu răng. Khám răng định kỳ 6 tháng 1 lần để phát hiện răng sâu và chữa kịp thời.