Mỗi người trong chúng ta ai cũng có một miền kí ức tuổi thơ đáng nhớ. Tùy theo điều kiện, hoàn cảnh môi trường sống mà miền kí ức ấy có thể bình yên hay dữ dội; gắn với núi đồi, biển cả, làng quê thanh bình hay phố phường tấp nập. Các em đang sống ở thành phố với cuộc sống khá sung túc, đầy đủ nên chắc hẳn cũng tò mò về cuộc sống ở nông thôn phải không? Trong chương trình giới thiệu sách ngày hôm nay cô sẽ đưa các em đến với làng quê Bắc Ninh qua hồi kí Tuổi thơ im lặng của nhà văn Duy Khán.
Tuổi thơ im lặng được xuất bản năm 1986, là tác phẩm nổi tiếng nhất của tác giả, được xem là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp cầm bút đã khiến cho Duy Khán "đang từ một người làm thơ, chuyển sang văn xuôi. Đang từ một người dễ dãi chạy theo các đề tài thời sự, Duy Khán trở lại với cái phần ký ức tuổi thơ nằm sâu và trở nên bền chặt trong tâm tư" (Vương Trí Nhàn)
Hồi ký tập hợp gồm 29 chương nhỏ trải dài từ lúc tác giả bắt đầu biết nhận thức cho đến khi gia nhập quân đội năm 15 tuổi. Mỗi chương là những ký ức sinh động về làng quê Bắc Ninh, từ thiên nhiên, phong tục, lễ hội đến mảnh đời những con người có số phận éo le, con vật nuôi, qua con mắt trẻ thơ, không định kiến của cậu bé Khán
Trong lời tựa, tác giả nói rằng ông viết cuốn sách này như là quà tặng ba người con của mình. Bởi vì như ông thấy “…khi nghe đến chuyện tuổi thơ của bố thì Khánh chớp chớp mắt, rồi mắt đỏ lên; đang nói nhiều, trở thành im lặng, đang nghịch ngợm rong chơi trở thành hiền hậu chuyên cần; bài tập nham nhở trở thành chỉn chu; đang ăn mặc lôi thôi diêm dúa trở thành gọn gàng, giản dị... Còn Khoa, vốn đã học giỏi, nết tốt, khi nghe chuyện, đã im lặng lại im lặng hơn, miệng cắn móng tay, đôi mắt to hơi lồi nhìn chằm chằm vào khoảng không. Khoa ít nói, không nói dối, vùi đầu vào bài vở, xem sách và khi nói thì hùng hồn, khúc triết, hấp dẫn, trong sáng.
Còn Khải, nằm ngửa, miệng nhoẻn, chân đập xuống giường bành bạch, chả hiểu cậu ta có thích những chuyện này không? Chắc khi biết nghe chuyện, nó sẽ thích cũng nên…
Các con sinh ra trong một thành phố lao động. Ấy thế mà vì sao các con lại đồng cảm đến mức vậy? Ví thử các con được sinh ra ở những làng quê lam lũ thì sao? Các con giục bố viết ra, viết nhanh để các con đọc lại nhiều lần.
Chao ơi! Các con của bố. Một yêu cầu chính đáng và da diết.”
Nếu độc giả đòi hỏi cái chặt chẽ của tuyến tính thời gian trong Tuổi thơ im lặng thì quả thực là không có. Là hồi kí, hồi ức nên dường như nhà văn nhớ đâu kể đó, và đã nói rồi mà chưa cạn thương, chưa đã nhớ thì quay lại nói tiếp ở những chương sau. Kết cấu tác phẩm khá rời với nhiều mẩu chuyện nhỏ, cứ như những lát cắt gọn mà ông bố chủ định cắt ra, đủ để kể cho những đứa con yêu của mình trước mỗi giờ đi ngủ. Mấy mươi đêm trôi qua như thế, ngắn ngủi thôi nhưng hẳn những đứa con ấy cũng như bố Khán sẽ mang theo nó suốt cả cuộc đời. Như thế giới người lớn chúng ta hôm nay vẫn canh cánh về một Tuổi thơ im lặng. Giữa thế giới văn chương nặng tính giải trí, lai căng, chúng ta hạnh phúc khi gặp thứ ánh sáng khác lạ từ những chất liệu cuộc sống nguyên sơ nằm trong sự lựa chọn của tình yêu Duy Khán. Một thế giới tuổi thơ hồn nhiên và vô cùng trong trẻo mà chúng ta dường như chỉ gặp trong một thời xưa cũ bỗng ùa về. Những không gian hoặc được địa danh hóa như núi Dạm, núi Bà Còm, chùa Hàm, chùa Cao, đèo Bẳng, rừng Đống Ngấn… hoặc nôm na gọi là cổng chùa, chỗ chôn rau, vườn nhà… là một phần quan trọng của hồi kí, được tác giả bao bọc trong sương khói cổ tích với những huyền thoại dân gian.
Tuổi thơ im lặng được xem là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời viết văn của Duy Khán. Qua từng dòng văn, tác giả đưa người đọc trở về với dòng sông kí ức, trôi dạt về một thời xa, xa lắm. Mộc mạc, đơn sơ mà gần gũi đến lạ thường, đọc những mẩu chuyện trong sách mà tưởng như ta đang sống lại một thời thơ dại đầy thú vị của một cậu bé làng quê. Cậu bé ấy thương yêu tất cả sự vật quanh mình, từ dãy núi, khu rừng đến ao hồ, làng xóm; từ cái cây trong vườn đến con chó vện, con mèo đen. Và trên tất cả những thứ ấy, cậu bé yêu thiết tha nơi chốn rau cắt rốn: “Tôi yêu quê hương tôi, cũng như yêu da thịt của tôi. Quê hương và tuổi thơ tôi luôn là điều kì diệu của tạo hóa cho con người”. Duy Khán đã đem tình yêu quê hương tha thiết ấy trải trên từng trang sách. Sâu lắng, lặng yên mà nồng thắm lạ lùng.
Giữa thời đại của kĩ thuật, của công nghệ và thế giới số hôm nay, chúng ta vẫn thường nói với nhau về sự thiệt thòi của con trẻ khi không được tắm mình trong bầu không khí trong trẻo của làng quê, không có nhiều kí ức thần tiên đầy thú vị nơi cánh đồng, lũy tre, bờ ao, rơm rạ… Thì những trang viết trong Tuổi thơ im lặng của Duy Khán sẽ phần nào bù lấp sự thiệt thòi ấy. Nó xứng đáng là hành trang đi cùng chúng ta trong từng bước trưởng thành của cuộc đời.