Các em học sinh yêu quý!
Lòng hiếu thảo được coi là đức tính quan trọng trong văn hóa các nước Đông Á, là một nét đẹp trong truyền thống của người Việt Nam chúng ta. Có rất nhiều tấm gương hiểu thảo khiến trái tim ta lay động, rưng rưng và cảm phục. Hôm nay cô sẽ giới thiệu tới các em một số tấm gương hiếu thảo qua cuốn sách “Kể chuyện về tấm lòng hiếu thảo” do tác giả Nhật Nam tuyển chọn, được nhà xuất bản Hồng Đức ấn hành năm 2021, in trên khổ 13cm x 20cm.
Nổi bật trên nền bìa trắng là hình ảnh người con trai trưởng thành, mạnh mẽ, khỏe khoắn đang gánh trên vai gánh hàng mưu toan cuộc sống tượng trưng cho trách nhiệm của người con thay cha mẹ gánh vác việc gia đình, trở thành trụ cột của gia đình để cha mẹ được yên tâm. Hình ảnh ấy nằm dưới hàng chữ tiêu đề, được bao tròn trong một vòng nguyệt quế như muốn truyền thông điệp: lòng hiếu thảo đẹp như đóa hoa ngát hương rất đáng được nâng niu, trân trọng.
Trải dài trên 183 trang sách là 54 câu chuyện ngắn, cảm động về tình cảm mẹ con, tình yêu thương, lòng hiếu thảo của con cái dành cho cha mẹ. Mỗi câu chuyện mang một màu sắc riêng nhưng đều đọng lại trong lòng người đọc những cảm xúc rưng rưng, nghẹn ngào.
Đến với câu chuyện đầu tiên được in trên trang 9 đến trang 15 chúng ta sẽ bắt gặp một vị vua tài đức, rất hiếu thảo với mẹ của mình. Sự hiếu thảo của vị vua này đã để lại cho hậu thế ngày nay bài học quý giá: bài học về đạo làm con, răn dạy mỗi con người chúng ta phải biết ngoan ngoãn, nghe lời dạy bảo của cha mẹ, phải biết chăm lo, phụng dưỡng đấng sinh thành dù bản thân có làm “ông này, bà nọ”, có đảm nhận chức vụ gì đi chăng nữa. Chúng mình có tò mò muốn biết câu chuyện này tựa đề là gì không? Còn vị vua và người mẹ tuyệt vời là là ai hay không? Hãy đọc câu chuyện để tìm lời giải đáp nào.
Trong câu chuyện “Tả Ao tiên sinh” chúng ta sẽ gặp nhà địa lí phong thủy nổi tiếng ở Việt Nam rất mực thương yêu mẹ. Tên thật của ông là Nguyễn Đức Huyền, quê ở Tả Ao, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Cha ông mất sớm, rồi chẳng may mẹ bị đau mắt nhiễm phải khí độc trở thành mù lòa. Nhà nghèo nên cuộc sống rất vất vả nhưng ông vẫn cố gắng kiếm tìm thầy thuốc chữa mắt cho mẹ. Trên đường đi tìm thầy thuốc ông cưú người gặp nạn và họ đã giúp ông sang Trung quốc học nghề bốc thuốc chữa mắt, rồi ông lại có thêm cơ duyên được thầy địa lí truyền nghề. Và với những gì học được trở về nhà ông có chữa được mắt cho mẹ mình, cho mọi người hay không? Ông đã làm nghề gì để nuôi dưỡng, chăm sóc mẹ già? Đừng bỏ lỡ câu chuyện hấp dẫn này trên trang 46 đến trang 49 các em nhé.
Người đọc lại được trải lòng với những xúc cảm rưng rưng khi đến với câu chuyện “Tạ Hữu Độ, người con hiếu thảo”. Ông mồ côi cha từ nhỏ, sống cùng với mẹ ở huyện Đông Thành, trấn Nghệ An. Thời kì Trịnh - Nguyễn phân tranh, quân Tây Sơn nổi dậy, đâu đâu cũng lâm vào cảnh khói lửa, loạn lạc, thổ phỉ, cướp bóc. Khi bọn cướp tới, mẹ ông vì sợ mà bỏ chạy, bị giặc bắt được sắp đem đi tra khảo chỗ giấu của, trước tình huống như vậy ông đã làm gì để cứu được mẹ? Rồi khi mẹ tuổi già đau ốm nặng, trong suốt 5 năm ông đã tận tình chăm sóc mẹ như thế nào cho tới khi mẹ mất để rồi được vua Minh Mạng thứ 8 ban biểu nêu khen? Muốn rõ câu trả lời chúng mình cùng tìm đọc câu chuyện trên trang 58 nhé.
Cuốn sách còn nhiều câu chuyện hay, gây xúc động lòng người về tấm lòng hiếu thảo của con cái dành cho cha mẹ như “Nguyễn Đình Chiểu khóc thương mẹ đến mù lòa”, “Nguyễn Đình Tế đặt hiếu kính làm đầu”, “Lòng hiếu cảm động đến trời đất”, “Quần áo đơn sơ hiếu thuận mẹ”, “Áo màu đùa giỡn làm vui cha mẹ”, “Từ quan tìm mẹ”, “Trung hiếu vẹn toàn”…Những tấm gương hiếu thảo trong cuốn sách này sẽ giúp chúng ta bồi đắp tình cảm yêu thương dành cho ông, bà, cha, mẹ; biết sống nghĩa tình, hòa hợp với xung quanh. Lối sống giàu tình cảm sẽ giúp ta tìm kiếm được hạnh phúc trong cuộc sống.
“Kể chuyện về tấm lòng hiếu thảo” là một cuốn sách rất hay, đầy ý nghĩa. Các em đừng bỏ lỡ cuốn sách này trong thư viện nhà trường nhé.