Các em học sinh thân mến!
Hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ từ xưa đến nay luôn là hình ảnh đẹp và cao quý trong lòng mỗi người dân Việt Nam, trong mắt bạn bè quốc tế. Đó là hình ảnh Anh bộ đội Cụ Hồ trở về từ trong chiến tranh, anh bộ đội Cụ Hồ đã yên nghỉ giữa lòng đất mẹ. Dù là ai nhưng đều gợi cho chúng ta thấy được những mất mát, đau thương và sự hy sinh đã được viết lên bao câu chuyện huyền thoại về người lính, về những ký ức hằn sâu từ trong chiến tranh. Mỗi chúng ta, khi nghĩ về người lính đều dạt dào cảm xúc của lòng tự hào và biết ơn các anh, những người đã từng chịu nhiều gian khổ, hy sinh nhiều nhất.
Nhân dịp kỉ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12/1944 - 22/12/2024 cô xin trân trọng giới thiệu tới các em cuốn truyện tranh lịch sử “Bế Văn Đàn - Người chiến sỹ lấy thân mình làm giá súng” do nhà xất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành năm 2021.
Truyện kể về người anh hùng trẻ tuổi Bế Văn Đàn, được viết lời bởi Đoàn Thị Tuyết Mai, minh họa tranh là Nhóm họa sĩ V.Comics. Với 27 trang sách, tác giả đã khái quát được đầy đủ về con người, thân thế và cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Bế Văn Đàn.
Bế Văn Đàn sinh năm 1931, là người dân tộc Tày, quê ở xã Quang Vinh, huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng. Đồng chí sinh ra trong một gia đình nghèo có truyền thống cách mạng, cha làm thợ mỏ, mẹ mất sớm, chú hoạt động cách mạng bị giặc Pháp bắt và giết hại, anh phải đi ở cho địa chủ từ nhỏ. Sau 5 năm đi ở, anh trốn về ở với dì và tham gia du kích với nhiệm vụ liên lạc. Năm 17 tuổi, Bế Văn Đàn xung phong đi bộ đội. Anh luôn đi đầu trong công việc, không ngại gian khổ hy sinh.
Trong trận đánh dịch ở Mường Pồn, khi hỏa lực của ta gặp sự cố, tình thế hết sức khẩn trương, anh không ngần ngại chạy lại cầm hai chân khẩu trung liên đặt lên vai mình và hô đồng đội bắn. Khi bị thương rồi ngất đi, lúc tỉnh lại anh vẫn tiếp tục kê súng, yêu cầu đồng đội bắn vào giặc. Nhờ vậy, quân ta tiếp tục giữ vững trận địa chiến đấu. Nhưng trong thời gian đứng làm giá súng Bế Văn Đàn bị 2 vết thương nữa và anh đã hy sinh khi hai tay còn ghì chặt chân súng trên vai mình. Tấm gương dũng cảm của Bế Văn Đàn đã cổ vũ cán bộ, chiến sĩ trên toàn mặt trận hăng hái thi đua giết giặc lập công, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Hình ảnh Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng trở thành một trong những tấm gương tiêu biểu trong Quân đội ta. Tại đại hội mừng công của đơn vị, Bế Văn Đàn được truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất, được bình bầu là Chiến sĩ thi đua số 1 của tiểu đoàn. Với thành tích đặc biệt xuất sắc, ngày 31-8-1955, Bế Văn Đàn được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Huân chương Quân công hạng Nhì.
Để tưởng nhớ và tri ân công lao của Anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn, tên anh được đặt tên cho nhiều con phố và ngôi trường ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Di tích Mường Pồn nơi anh hùng Bế Văn Đàn hy sinh luôn là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần chiến đấu quả cảm của thế hệ cha ông ta trong công cuộc đấu tranh, chống giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương đất nước.
“Bế Văn Đàn - Người chiến sỹ lấy thân mình làm giá súng” là một cuốn sách nhỏ nhưng vô cùng ý nghĩa, có giá trị truyền tải thông điệp lớn lao. Cuốn sách giúp các em có thêm hiểu biết và tự hào về những trang sử hào hùng của dân tộc, thêm trân trọng những con người đã và đang làm nhiệm vụ giữ yên bờ cõi của nước nhà để chúng ta được sinh hoạt, học tập dưới bầu trời hòa bình, ấm no. Ngày nay, chúng ta vẫn phải luôn biết ơn đến những chú bộ đội đang đêm ngày cống hiến thanh xuân, xương máu để giữ vững hòa bình dân tộc, bảo vệ cuộc sống thanh bình cho nhân dân. Nhân ngày Quân đội Nhân dân Việt Nam sắp tới, chúng ta cùng cầu chúc cho các chú bộ đội luôn mạnh khỏe, vững tay súng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thiêng liêng của mình. Các em hãy noi gương các chú, phấn đấu học tập, rèn luyện thật tốt để thành những công dân có ích cho xã hội nhé.
Buổi tuyên truyền sách của cô đến đây là kết thúc. Hẹn gặp lại các em trong buổi giới thiệu sách lần sau!