Cũng giống như sởi và một số bệnh do virus khác, bệnh thủy đậu thường bùng phát vào mùa đông và kéo dài cho tới hết mùa xuân. Người bị thủy đậu nếu không được chăm sóc và chữa trị đúng cách sẽ để lại biến chứng nguy hiểm.
Bệnh thủy đậu còn được gọi là bỏng dạ. Là một bệnh truyền nhiễm do virus varicella zoster gây ra.
Thời gian ủ bệnh: từ 10 – 21 ngày.
Triệu chứng: cơ thể sốt nhẹ, người mệt mỏi, đâu cơ, đau đầu, đau họng.
Sau đó cơ thể xuất hiện những nốt phỏng. Ban đâu là các nốt nhỏ màu hồng nổi gồ trên da và sau 24 giờ trở thành nốt màu hồng có phỏng nước bên trong (mụn nước, bóng nước). Nốt phỏng có thể mọc khắp toàn thân hay mọc dải rác trên cơ thể. Thường hay mọc nhiều ở trên mặt, ngực, da đầu và chân tóc.
Đường lây: Bệnh lây chủ yếu qua đường hô hấp (không khí), người lành dễ bị nhiễm bệnh nếu hít phải những tia nước bọt bắn ra khi người bị thủy đậu ho, hắt hơi, sổ mũi. Mọi người chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu đều có nguy cơ mắc bệnh thủy đậu. Đặc biệt khi cùng sống trong một môi trường có người bị thủy đậu. Bệnh có thể lây từ bóng nước khi bị vỡ của người bệnh khi không cẩn thận khi tiếp xúc, người có hệ thống miễn dịch kém dễ mắc bệnh thủy đậu.
Biến chứng: Người bị thủy đậu có các nốt phỏng thường rất ngứa nếu người bệnh không kiểm soát được mà hay gãi thì rất dễ làm vỡ các nốt này. Tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào gây nhiễm trùng tại các nốt đậu. Khi được chữa khỏi vẫn có thể để lại nốt sẹo rỗ gây mất thẩm mỹ.
Ngoài ra thủy đậu cũng có thể gây nên một số biến trứng khác nhưng ít gặp hơn cụ thể là: viêm phổi thuỷ đậu, viêm não, viêm màng não, viêm cầu thận cấp, viêm thận, …
Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu có thể truyền bệnh từ mẹ sang con, gây ra các tác động nghiêm trọng đến thai như dị tật thai nhi, dị tật bẩm sinh hoặc sảy thai, sinh non, thai chết lưu, thậm chí tử vong ở trẻ sơ sinh
Phòng bệnh: Để tránh bị lây nhiễm virus này cần hạn chế tối đa tiếp xúc với người bị bệnh, đặc biệt trong môi trường trường học virus này có thể nhanh chóng lây lan. Do đó học sinh nào mắc bệnh thủy đậu thì phải nghỉ học hoàn toàn cho đến khi khỏi bệnh thường là 5 ngày.
Tiêm chủng ngừa vắc xin thuỷ đậu là biện pháp phòng tránh thuỷ đậu hiệu quả và lâu dài nhất. Với trẻ em việc ngừa vắc xin thuỷ đậu càng quan trọng. Nếu gia đình có trẻ nhỏ hãy đưa trẻ tới cơ sở y tế uy tín để tiêm theo đúng liều lượng quy định:
Lịch tiêm gồm: Mũi 1: Tiêm khi trẻ trên 1 tuổi
Mũi 2: Trẻ từ 1-13 tuổi, tiêm cách mũi 1 tối thiểu 3 tháng. Trẻ 13 tuổi trở lên tiêm cách mũi 1 ít nhất 1 tháng.
Khi trong gia đình có người bị bệnh thủy đậu nhằm tránh lây lan cho các thành viên trong gia đình người bệnh cần được chăm sóc và cách ly như sau:
- Nằm trong phòng riêng thoáng khí có ánh sáng mặt trời. Cách ly từ lúc bắt đầu phát bệnh cho đến khi các nốt phỏng nước khô vẩy hoàn toàn.
- Sử dụng riêng các vật dụng sinh hoạt cá nhân: khăn mặt, cốc chén, thìa đũa bát… vệ sinh mũi họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý.
- Thay quần áo và tắm rửa hàng ngày bằng nước ấm trong phòng tắm
- Nên mặc quần áo rộng, nhẹ, mỏng
- Nên cắt móng tay và giữ móng tay sạch
- Tránh gãi gây trầy xước các nốt phỏng nước
- Dùng dung dịch xanh methylen để chấm lên các nốt phỏng nước.
- Trong trường hợp sốt cao có thể dùng các thuốc hạ sốt thông thường nhưng phải theo hướng dẫn của thầy thuốc. có thể dùng kháng sinh trong trường hợp nốt dạ bị nhiễm trùng (nốt dạ có mủ, tấy đỏ da xung quanh)