Hòa chung không khí của cả nước tưng bừng tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 65 năm giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2019), thư viện nhà trường trân trọng giới thiệu tới quý thầy cô và toàn thể các em học sinh cuốn sách “Gương sáng trời Nam” để cùng ôn lại quá khứ hào hùng của dân tộc qua những tấm gương ngời sáng.
Sách do tác giả Lê Thái Dũng biên soạn, được nhà xuất bản Hồng Đức ấn hành năm 2017. Trải dài trên 195 trang sách là 29 câu chuyện về một số nhân vật trong lịch sử Việt Nam; có người là quân vương đứng đầu thiên hạ, người là võ tướng với thanh gươm, yên ngựa; kẻ văn thần có cây bút, vần thơ… Mặc dù địa vị, vai trò có khác nhau nhưng họ đều có điểm chung là tận tâm tận lực, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm mục tiêu để cống hiến và tranh đấu. Tất cả họ đều mang tinh thần cầu tiến bộ, thấy sai thì sửa, thấy đúng thì theo, vững chí bền gan, cố gắng hết mình, sống cương trực, thanh cao, liêm khiết. Làm vua thì trăn trở, đau đáu khi nước chưa giàu mạnh, người làm quan thương dân chúng vẫn còn cảnh cơ hàn, kẻ làm tướng vì nước chẳng màng đến chuyện sống chết, người thầy thuốc chỉ mong trị bệnh cứu người…
Trước hết, chúng ta cùng đến với vị Hoàng đế đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Đây chính là người đã để lại những dấu ấn đặc biệt trong công cuộc xây dựng đất nước, đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi. Các em đã đoán ra vị Hoàng đế này là ai chưa? Và ông đã có những đóng góp quan trọng như thế nào? Để có lời giải đáp cô mời các em cùng tìm đọc những trang đầu của cuốn sách nhé!
Gương sáng tiếp theo cô muốn giới thiệu tới các em đó là “Trạng Trình ghét chuột” - Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông là người nổi tiếng thông minh, luôn thiết tha với việc dân, việc nước, sống liêm khiết, ngay thẳng. Nhưng sau 8 năm phục vụ triều đình, ông chán nản cáo bệnh, trả lại mũ áo, từ quan, về quê mở trường học. Các em có muốn biết lí do vì sao ông lại làm như vậy không? Chúng ta cùng lật giở trang 86 và cùng đọc bài thơ “Ghét chuột” của ông để tìm hiểu nào!
Đến với “Ngọn cờ trong y giới” các em sẽ gặp một trong những cây đại thụ của nền y học dân tộc là danh y Lê Hữu Trác, đồng thời ông cũng là nhà văn, nhà thơ xuất sắc ở thế kỉ XVIII. Ông đã để lại công trình y học đồ sộ có tên “Hải Thượng y tông tâm lĩnh”. Quan điểm về y đạo của ông thể hiện rõ đạo đức, lòng nhân ái của người thầy thuốc. Để hiểu rõ về con người cũng như quan điểm về y đạo của ông cô mời các em cùng tìm đến trang sách 125 nhé.
Ngoài các nhân vật kể trên, khi đến với cuốn sách các em còn được biết đến Hoàng đế Lê Thánh Tông, Hoàng đế Quang Trung, vị tướng lĩnh tài ba Mai Xuân Thưởng, vị đại thần tiết kiệm Nguyễn Minh Triết, Thánh thuốc Nam Tuệ Tĩnh…
Cuộc đời và sự nghiệp của những nhân vật này được chính sử, dã sử và giai thoại dân gian ghi nhận, lưu truyền ca ngợi như tấm gương sáng trong tinh khiết. Có thể nói họ đã viết cho đất nước Việt Nam những trang sử đẹp và là nguồn động viên các thế hệ sau học tập, phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc, tiếp thu những bài học giáo dục lớn để đi tiếp trên con đường phụng sự dân tộc, phụng sự Tổ quốc.
Sách hiện có trong thư viện nhà trường, trân trọng giới thiệu tới quí thầy cô và các em cùng tìm đọc.