Khi nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong lòng mỗi người con Việt Nam nói riêng và nhân dân thế giới nói chung đều có chung một cảm xúc đó là sự trân trọng, mến phục. Một con người thật lớn lao, vĩ đại lại rất đỗi giản dị, chân thực; một con người đã hi sinh cả đời mình cho tự do dân tộc, cho hạnh phúc đồng bào. Con người ấy đã đi vào lịch sử, vào thơ văn không phải là một nhân vật văn học hư cấu, mà là một con người có thực, gần gũi, thân thiết nhưng cũng hết sức lớn lao, vĩ đại. Đã có rất nhiều người viết về Bác Hồ với đủ mọi phong cách, từ truyện ngắn, thơ, tiểu thuyết, ký… và thật không phải dễ để viết về Bác Hồ, bởi
người viết phải làm sao thể hiện được con người vừa giản dị vừa vĩ đại của Bác lại phải tránh để không trùng với người viết trước.
Cuốn tiểu thuyết “Cha và Con” của nhà văn Hồ Phương - một cuốn tiểu thuyết viết về Bác Hồ dưới một góc độ hoàn toàn mới. Đây là tác phẩm văn học đầu tiên viết về Bác nhưng lại dành đa số trang viết để miêu tả, khắc họa hình ảnh cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, người cha của chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sách được in trên khổ 16 x 24 cm, dày 375 trang do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành năm 2017. Bìa sách nổi bật với màu xanh nhã nhặn của nền trời, mặt biển trong xanh và màu xanh non mượt mà của thảm cỏ. Nổi bật trên nền xanh ấy là hình ảnh hai cha con đang hướng về nơi xa xăm. Mặt sau của cuốn sách là lời đề từ giãi bày tình cảm và suy nghĩ của nhà văn.
“Cha và con” đã khắc họa chân dung Bác Hồ từ khi là cậu bé 10 tuổi đến khi quyết định ra đi tìm đường cứu nước. Không gian được mở rộng từ Làng Sen, làng Chùa (Nam Đàn-Nghệ An), kinh đô Huế, Phan Thiết nơi cụ thân sinh của Bác dạy học đến Sài Gòn, nơi Nguyễn Tất Thành nhận thức được rằng “Muốn đánh Pháp phải hiểu được Pháp” và lên đường tìm một con đường giành lại độc lập tự do cho dân tộc.
Cuốn sách gồm 6 chương:
Chương 1: Giới thiệu về gia đình và tuổi thơ của cậu bé Côn (tên gọi lúc nhỏ của Chủ Tịch Hồ Chí Minh).
Chương 2: Cậu bé Côn, anh Khiêm theo cha đến Thanh Chương - Nghệ An dạy học.
Chương 3: Hành trình của ba cha con vượt đèo Ngang vào Huế nhận chức.
Chương 4: Kể cho người đọc chứng kiến sự sụp đổ của triều đình Huế.
Chương 5: Chặng đường chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành từ Quy Nhơn vào Bình Khê để từ giã cha, dấn thân vào một cuộc ra đi không hẹn ngày về.
Chương 6: Hành trình thầy giáo Nguyễn Tất Thành rời Phan thiết vào Sài Gòn.
Không ai trong chúng ta có thể phủ nhận một sự thật rằng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - một nhà sĩ phu yêu nước, một người cha đã định hình cho nhân cách Hồ Chí Minh từ cách sống, cách suy nghĩ đến con đường cứu nước từ thuở Hồ Chủ Tịch còn thơ. Chính sự định hình này mà Bác Hồ trở thành một thiên tài của dân tộc, một danh nhân văn hóa của nhân loại.
Tình cảm cha con giữa cụ Nguyễn Sinh Sắc và Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là tình cảm của người cùng lý tưởng và chí hướng hiếm có trong cuộc đời. Những lời dạy bảo đầy yêu thương mà kiên định lập trường “vì nước quên thân” của Cụ đã tiếp thêm sức mạnh cho người con trai trên con đường cứu dân, cứu nước.
Đọc cuốn tiểu thuyết, chúng ta sẽ hiểu hơn về con người, về quá trình tu dưỡng, rèn luyện và trau dồi tài năng, nhân cách của chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời thấy được tâm huyết và tình cảm kính yêu chân thành, trong sáng của nhà văn dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thư viện nhà trường xin trân trọng giới thiệu đến quý thầy cô giáo và các em học sinh cuốn tiểu thuyết "Cha và con" của tác giả Hồ Phương. Kính mong quý thầy cô giáo và các em học sinh tìm đọc để hiểu sâu thêm về Bác Hồ vĩ đại của chúng ta.