Để hưởng ứng Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường và để góp thêm niềm vui nho nhỏ cho các em học sinh trong những ngày đầu đến lớp, tôi xin giới thiệu tới quí thầy cô và các em học sinh cuốn sách “Mái trường xưa” của nhà văn Viết Linh, do nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành năm 2018.
Cuốn sách nằm trong Tủ sách vàng “Tác phẩm chọn lọc dành cho thiếu nhi”. Với độ dày 135 trang, được in trên khổ 13cm x 21cm, dung lượng sách rất phù hợp với khả năng đọc ở lứa tuổi của các em.
Nổi bật trên trang bìa nền nã là hình ảnh ngôi trường bé nhỏ với những chiếc bút chì xinh xắn cùng trang sổ trắng thân thương. Phần đầu trang bìa là hình ảnh một chiếc máy bay, phần cuối trang là dòng tiêu đề “Mái trường xưa” được in bên cạnh hình ảnh con cá, con cóc rất đỗi quen thuộc ở vùng nông thôn. Nhìn tất cả những hình ảnh trên trang bìa các em có nhận ra điều gì không? Đó là một ngôi trường bé nhỏ nơi miền quê vào thời kì chiến tranh. Máy bay địch đang vờn quanh trên bầu trời nhưng cũng không ngăn được bước chân và niềm đam mê học tập của các bạn học sinh nơi miền quê gian khổ.
Nhân vật tôi trong câu chuyện là con của một gia đình nghèo khó nhưng rất giàu ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Câu chuyện bắt đầu bằng lời trăn trối của người cha với con thơ trước lúc lâm chung: “- Cố học nên người” rồi từ từ nhắm mắt. Câu nói ấy cứ ăn sâu mãi vào lòng cậu bé, trở thành động lực thôi thúc cậu bé ấy sống mỗi ngày một tốt hơn, trở thành người có ích trong xã hội.
Các em có tưởng tượng được “Mái trường xưa” là mái trường như thế nào không? Đó là một mái trường đặc biệt trong thời kì tản cư, tránh bom đạn giặc Pháp. Ngôi trường ấy nằm ở trong làng với các lớp học được đặt ở đình, chùa, ở những ngôi nhà vắng chủ, có lớp thì mới được dựng lên sơ sài. Nhân vật chính trong câu chuyện là học sinh tản cư từ Hà Nội về Vĩnh Phúc, được người chú nghèo chu cấp tiền thuê trọ, ăn học nhưng ở mức eo hẹp, kham khổ. Mặc dù không có học bạ nhưng làm thế nào mà cậu bé được thầy hiệu trưởng nhận vào học trong trường ? Cậu đã phải vượt qua những khó khăn nào để theo kịp các bạn trong khi cơm cậu ăn cững không đủ no. Thêm nữa, đôi tai nghễnh ngãng, lúc nghe được, lúc không do bị sốt rét ác tính gây nên khiến cậu bé tiếp thu bài vất vả hơn các bạn. Tất cả những khó khăn ấy có làm cậu bé nản lòng không?
. Đến khi người chú gặp khó khăn, không còn khă năng chu cấp tiền ăn học dù ở mức thấp nhất, cậu học trò ấy cùng những người bạn nghèo đã phải làm gì để tiếp tục sống và được đi học.
Trong câu chuyện cảm động ấy còn có hình ảnh của những người thầy giáo tài giỏi, đầy tâm huyết, giàu lòng yêu thương đối với học trò như thầy Cừ dạy toán, tiếng Anh; thầy Kì dạy toán, văn; thầy Canh dạy tiếng Pháp, âm nhạc và đặc biệt là lời dạy của thầy Cừ khi dạy thêm toán cho học sinh nhưng từ chối nhận tiền của các em: “Sau này lớn lên, các em lại làm điều tốt cho mọi người, thế là được rồi”.
Ngoài ra còn có những tấm gương học trò ngời sáng như Luy, Hoàng, Dư là những người bạn thân thiết của nhân vật chính trong câu chuyện. Họ đã luôn luôn bên nhau, đồng cam cộng khổ, giúp đỡ nhau trong những lúc khó khăn, hoạn nạn, cùng học, cùng tiến, cùng góp sức bé nhỏ của mình trong công cuộc xóa nạn mù chữ, cùng lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu chống giặc ngoại xâm, giành độc lập tự do cho dân tộc.
Đọc “Mái trường xưa” để thấy tuổi thơ hồn nhiên sớm nếm trải mất mát và những ngày tháng tản cư tránh giặc giã, súng đạn… đã giúp cho những người bạn nhỏ trưởng thành. Vất vả, đói khổ, gian khó là thế nhưng niềm lạc quan và tình yêu thương cuộc sống, con người vẫn luôn tha thiết nơi trái tim niên thiếu. Câu chuyện chân thực của nhân vật chính đã đi vào lòng người đọc một cách sâu lắng với những bài học bổ ích về ý chí, nghị lực giúp mỗi chúng ta tự soi mình vào đó để thấy rằng được đến trường, được sống trong tình yêu thương của thầy cô, bạn bè là một niềm hạnh phúc lớn lao. Học, học nữa, học mãi, học để góp phần sức bé nhỏ vào công cuộc xây dựng đất nước phải chăng là một thông điệp tác giả muốn gửi gắm tới mỗi chúng ta qua cuốn sách bé nhỏ này?
Sách hiện có trong thư viện nhà trường, trân trọng kính mời quí thầy cô và các em tìm đọc!