Thừa cân béo phì là tình trạng cơ thể tích tụ quá nhiều mỡ do hậu quả của sự mất cân bằng năng lượng, có nghĩa là năng lượng đưa vào cơ thể vượt quá năng lượng tiêu hao
![Nhấn vào ảnh để phóng to](https://8486d3381d.vws.vegacdn.vn/UploadFolderNew/SGDLongBien/Image/thphucloi/2021_5_image/aa_06052021.jpg?w=900)
Vì sao trẻ bị thừa cân béo phì?
Trẻ bị thừa cân béo phì là do chế độ ăn giàu năng lượng vượt quá nhu cầu nhất là năng lượng từ chất béo, tuy nhiên ăn nhiều chất đạm, bột đường cũng bị thừa cân béo phì vì các chất này khi vào cơ thể dư thừa đều có thể chuyển hóa thành chất béo dự trữ. Trong trường hợp trẻ ít hoạt động thể lực là yếu tố song hành, nguy cơ cao gây thừa cân béo phì. Trẻ thường dành thời gian cho hoạt động tĩnh tại như xem ti vi, đọc chuyện, chơi điện tử...mà ít luyện tập thể dục thể thao. Các nhà nghiên cứu khoa học cũng cho biết yếu tố di truyền về thừa cân béo phì thì chưa được chứng minh đầy đủ, tuy nhiên trong gia đình cha mẹ bị thừa cân béo phì thì con cái có nguy cơ bị thừa cân béo phì
Trẻ bị thừa cân béo phì có ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?
Trẻ bị thừa cân béo phì sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Béo phì ở trẻ em là yếu tố nguy cơ béo phì ở người lớn. Béo phì ở trẻ em ảnh hưởng đến sức khỏe khi trưởng thành. Vì ở người béo phì có nguy cơ mắc các bệnh tăng huyết áp dẫn đến bệnh tai biến mạch máu não, tăng cholesterol dẫn đến nhồi máu cơ tim...và có nguy cơ mắc các bệnh lý khác như bệnh đái tháo đường, bệnh sỏi mật, cơ xương khớp, bệnh ung thư vú, tử cung, tiền liệt tuyến. Bên cạnh đó, trẻ béo phì thường vụng về, chậm chạp, hay bị bạn bè trêu chọc ảnh hưởng đến tâm lý và khả năng học tập.
Làm thế nào để giảm cân cho trẻ bị thừa cân béo phì?
Điều cần thiết là phải điều chỉnh chế độ ăn hợp lý. Nguyên tắc chính để điều trị thừa cân béo phì ở trẻ em là điều chỉnh chế độ ăn hợp lý kết hợp với hoạt động thể lực. Nên hạn chế các loại bánh kẹo, đường, mật, sữa đặc có đường, sữa béo nhưng có thể uống sữa gầy (sữa bột tách bơ). Khi chế biến thức ăn nên làm các món hấp, luộc, hạn chế món quay, xào, rán. Ăn nhiều rau xanh, hoa quả ít ngọt. Và cần có chế độ ăn điều độ, không ăn quá no, không được bỏ bữa, không để trẻ quá đói, ăn nhiều vào buổi sáng, không nên ăn vào buổi tối trước khi đi ngủ. Đồng thời, các cha mẹ cần khuyến khích trẻ tham gia các môn thể dục thể thao như chạy, bơi, nhảy dây, đi bộ...hạn chế xem tivi, chơi điện tử. Cần lưu ý, thường xuyên theo dõi cân nặng, chiều cao, khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ và thời gian hoạt động của trẻ.
Làm thế nào để dự phòng thừa cân béo phì?
Dự phòng thừa cân béo phì chủ yếu là dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực. Khi trẻ bắt đầu ăn bổ sung cần có khẩu phần ăn hợp lý đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm (chất bột đường, chất đạm, chất béo và chất xơ, vitamin, khoáng chất).
Những loại thực phẩm nên dùng :
Nhóm cung cấp chất đạm (Protid): nên ăn thịt nạc, thịt gia cầm bỏ da, cá nạc, tôm, cua, đậu phụ, lòng trắng trứng.
Nhóm cung cấp chất béo (Lipid): nên ăn dầu thực vật ở mức vừa phải
Nhóm cung cấp năng lượng (Glucid): nên ăn số lượng vừa phải, tăng cường ăn các loại còn nguyên hạt: gạo, ngô, khoai, tuy nhiên để giảm bớt năng lượng có thể ăn các loại đã chế biến như: bún, bánh phở,miến, bánh đa.
Nhóm cung cấp vitamin và chất khoáng: các loại rau xanh như: rau cần, bắp cải, các loại rau cải, bí xanh, su hào, rau muống, rau đay, rau dền, các loại quả ít ngọt: dưa hấu, thanh long, cam quýt, mận, lê, táo, nho, dưa chuột (dưa leo).
Những loại thực phẩm nên hạn chế :
+Mỡ động vật, thịt mỡ, bơ, pho mát, lòng đỏ trứng, phủ tạng động vật: tim, gan, thận, óc, dạ dày, tràng.
+Ăn mặn.
+Nước giải khát có đường, các loại kẹo, bánh ngọt.
+Các loại sữa bột nguyên kem, sữa đặc có đường
Các loại hoa quả quá ngọt: chuối, mít, na, xoài, vải, nhãn.
+Ngoài việc áp dụng một chế độ ăn đặc biệt, trẻ em cũng nên duy trì việc luyện tập thể thao ít nhất 30 phút /ngày với các loại hình như đi bộ, bơi, thể dục nhịp điệu, đạp xe đạp…hạn chế xem vô tuyến, chơi điện tử và thức quá khuya. Ngoài ra, cần theo dõi tăng trưởng của trẻ ở mọi lứa tuổi qua chỉ số cân nặng chiều cao nhằm phát hiện sớm thừa cân béo phì để kịp thời điều chỉnh chế độ ăn và sinh hoạt của trẻ./.