Dạy trẻ về văn hóa giao thông là một trong những nhiệm vụ cần thiết mà nhà trường và cha mẹ học sinh cần làm ngay. Công việc này giúp cho trẻ học tập được nhiều kĩ năng và kiến thức bổ ích. Quan trọng hơn là giúp con được an toàn khi tham gia giao thông trên đường.
1. Văn hóa giao thông là gì?
Văn hóa giao thông là ý thức, là thái độ của mọi người trong khi giao thông.
Văn hóa giao thông là một bộ phận của văn hóa nơi công cộng, là tập hợp các cách thức xử sự, ứng xử, chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông, là tuân thủ của các chuẩn mực đạo đức khi tham gia giao thông, chấp hành đúng, gương mẫu và tự giác đối với Luật Giao thông đường bộ. Theo đó, các hành vi ứng xử trước hết phải đặt ý thức tự giác lên hàng đầu, tiếp đến là thực hiện đúng luật định, gương mẫu và tôn trọng những người liên quan, bảo đảm an toàn tài sản, an toàn công cộng và trật tự công cộng.
2. Thực hiện văn hóa giao thông
Các em cần tuân thủ luật an toàn giao thông cũng như tự ý thức và tự giác chấp hành đầy đủ các quy định khi tham gia giao thông. Tránh được tất cả những hành vi không đúng pháp luật hay vi phạm chuẩn mực người lái xe. Các lỗi cơ bản cần lưu ý đối với người tham gia giao thông đó là, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, chen lấn, đánh võng, đi không đúng phần đường, uống rượu bia khi tham gia giao thông...
a. Nếu trẻ đi bộ: Hãy hướng dẫn trẻ cách đi bộ như:
Nên đi vào vỉa hè.
Chỉ băng qua đường khi đèn xanh dành cho người đi bộ bật lên
Không được vừa đi vừa nghe nhạc, đọc truyện, chơi game
Không nô đùa với bạn bè trên đường.
Không nên mang theo đồ chơi bên cạnh đặc biệt là trái bóng, bởi nếu trẻ làm rơi chúng và khi đuổi theo nhặt lại sẽ rất nguy hiểm.
Nếu trên đoạn đường có nhiều xe qua lại hãy đợi một ai đó cũng muốn sang đường để có thể đi bên cạnh họ.
b. Nếu trẻ đi xe đạp:
Xe đạp phải đảm bảo an toàn, có chuông bấm và bộ phanh xe an toàn.Trẻ có những vật dụng cần thiết như mũ bảo hiểm.
Cần bấm chuông khi đằng trước có chướng ngại vật.
Đi xe đạp bên phải đường dành cho xe thô sơ và khi dừng xe cũng nên dừng ở bên phải.
Khi thấy đèn đỏ thì phải dừng lại trước vạch chắn màu trắng.
Khi thấy đoạn đường nguy hiểm khó đi thì nên dừng lại dong xe qua rồi mới tiếp tục đi.
c. Nếu trẻ ngồi ô tô
Trong trường hợp trẻ đi du lịch cùng gia đình hoặc đi cùng lớp mà không có cha mẹ bên cạnh, bạn nên dặn dò trẻ cẩn thận:
Không nên thò đầu hoặc tay chân ra ngoài cửa sổ của xe.
Nên ngồi ngay ngắn và không nên đứng nhảy nhót trên xe để tránh trường hợp xe phanh gấp trẻ sẽ bị mất thăng bằng.
Chỉ nên xuống xe khi xe đã dừng hẳn.
d. Nói đi đôi với làm
Cha mẹ là người hướng dẫn và giúp trẻ thực hiện những kĩ năng tham gia giao thông an toàn, cùng tham gia đến trường cùng trẻ.
Tăng cường nhận thức của trẻ về an toàn giao thông qua hoạt động tuyên truyền như vẽ tranh, đóng tiểu phẩm, văn nghệ, giao lưu tìm hiểu về Luật giao thông.
Các thầy cô giáo giúp trẻ các hoạt động trải nghiệm các tình huống giao thống để trẻ xử lý, giúp trẻ nhận thức đoạn đường an toàn, nguy hiểm để trẻ có thêm kiến thức và kĩ năng tham gia giao thông an toàn.
Để giúp trẻ tự giác thực hiện văn hóa giao thông người lớn là tấm gương cho trẻ noi theo.