!important; Các em học sinh thân mến!
Hẳn trong con người chúng ta mỗi người đều theo đuổi một mục đích, lý tưởng rất riêng, nhưng có lẽ không ai là không biết yêu cái hay, cái đẹp. Ở đó có tình yêu thương đất nước, con người và cả những điều thân thuộc, giản dị xung quanh ta. Hôm nay cô sẽ giới thiệu tới các em một con người điển hình như thế qua tập thơ của ông - "Góc sân và khoảng trời” - Ông chính là nhà thơ Trần Đăng Khoa.
Tập thơ "Góc sân và khoảng trời" của nhà thơ Trần Đăng Khoa được nhà xuất bản Thông Tin ấn hành năm 2016 với 253 trang, khổ 10cm x 15 cm. Bìa sách được in màu vàng, nổi bật lên là hình ảnh một cậu bé với đôi mắt trong veo đang nằm mơ màng về một khoảng trời riêng với hình ảnh cây tre cùng cánh chim hòa bình đang chao liệng. Tất cả những hình ảnh đó đều rất thân quen, gần gũi với làng quê Việt Nam và nó biểu hiện một sức sống trẻ và tinh khiết biết bao nhiêu - như chính tâm hồn thơ của "cậu bé Khoa" vậy.
Với 100 bài thơ được tuyển chọn và giới thiệu, chắc hẳn trong chúng ta ai cũng biết hay đã từng nghe nói về một "góc sân và khoảng trời" của "cậu bé Khoa" chứ không phải của Trần Đăng Khoa - một nhà thơ lớn và đầy bản lĩnh như ngày nay. Góc sân ấy là thế giới đầu tiên của "bé Khoa", khoảng trời ấy là cái vũ trụ tí hon của Khoa. Ở đây là những nhân vật giản dị thôi nhưng đượm sắc thần tiên của hồn con trẻ. Mảnh sân nhỏ ấy là nơi "bé Khoa" đã nói: “Em thường rải cái nong/ Ra góc sân ngồi học/ Những đêm có trăng mọc/ Em chơi cho đến khuya”. Từ trò "xỉa cá mè", "mèo đuổi chuột"... rồi cũng từ đây những ước mơ của em bắt đầu nảy nở: “Vẽ cô tiên lặng lẽ/ Rải hoa trên bầu trời/ Thế là bao đồng lúa/ Cứ chín vàng, vàng tươi”...Một tưởng tượng rất thật về một vụ mùa bội thu, một cái đẹp từ những thành quả sao mà yêu đến thế! Dường như tại góc sân này, thứ gì với Khoa cũng đẹp, cũng đáng yêu. Từ: “Con bướm vàng/ Bay nhẹ nhàng/ Em thích quá/ Em đuổi theo..."
Trong thơ "bé Khoa" có tình yêu thiên nhiên và cả tình yêu đất nước. Khoa đã nhìn xa hơn, nhìn về đất nước khi giặc Mỹ ngày đêm rình rập, đào xới đất nước ta. Nhưng các bạn thấy không, trong con mắt thơ trẻ của "em Khoa" đất nước mình, làng quê mình sao mà đẹp thế, hiên ngang thế: “Ao trường vẫn nở hoa sen/ Bờ tre vẫn chú dế mèn vuốt râu” (Em kể chuyện này). Chiến thắng của Việt Nam hát lên, cao hơn tiếng bom, trong những câu thơ của bé Khoa. Năm 1968 ấy, khi "cậu bé Khoa" lên mười em đã kể chuyện giặc Mỹ rơi xuống cánh đồng làng mình; mọi người chạy ra, cả nhà Khoa chạy ra: “Chị em xách khẩu súng/ Bé Giang mang que đời/ Con chó vàng mang hàm răng nhọn hoắt/ Em không biết mang gì Vớ ngay hòn đá/Chân em ngắn quá Phải chạy nhanh mới tới nơi Nhưng tới nơi thì giặc Mỹ đã chết rồi”.
Các em thân mến! Trong gia đình, với mẹ, với bà tình cảm của "bé Khoa" cũng là tấm gương cho đến giờ vẫn khiến các em nhỏ phải nhìn vào và noi theo. Bởi từ những vất vả của mẹ, từ những vất vả của bà "bé Khoa" đã trân trọng và yêu những điều đó, để rồi tình thương đó bộc lộ ra: “Áo mẹ mưa bạc màu/ Đầu mẹ nắng cháy tóc/ Mẹ ngày đêm khó nhọc/ Con chưa ngoan, chưa ngoan”.Hay như trong "Mẹ ốm", "bé Khoa" đã ca ngợi mẹ “Mẹ là đất nước tháng ngày của con..." bởi "vì con mẹ khổ đủ điều".
“Em nhỏ Khoa" còn biết thương con chó nhà mình, khi nó nghe tiếng bom Mỹ nổ, đã bỏ chạy đi đâu: “Tao chờ mày đã lâu/ Cơm phần mày để cửa”. Với em gái mình cũng là tình thương ấm áp của người anh: “Mẹ cha bận việc ngày đêm/ Anh ngồi trong lớp lo em ở nhà”. Với người thầy từ chiến trường trở về dạy mình, là thương binh trên đôi nạng gỗ "bé Khoa" đã nhìn thấy: “Dấu lặng hai bên như hai hàng lỗ đáo/ Chúng em nhận ra bàn chân thầy giáo/ Như nhận ra cái chưa hoàn hảo/ Của cả cuộc đời mình”.
Các em thấy không? Cũng chỉ tầm tuổi các em bây giờ trong con người "cậu bé Khoa" ngày ấy đã có những ý chí, quyết tâm thật vĩ đại và một tình yêu thật lớn lao đối với gia đình, với người, vật xung quanh, với quê hương, đất nước phải không? Cô tin rằng các em sẽ học hỏi được thật nhiều điều bổ ích qua những trang thơ hồn nhiên này. Đừng bỏ lỡ “Góc sân và khoảng trời” này các em nhé.