Ngày 26 tháng 6 năm 1998, tại trụ sở của Liên hợp quốc, Ủy ban Quốc tế về phòng chống ma túy đã tổ chức một cuộc mít tinh lớn kéo dài trong vòng 2 giờ với sự tham gia của các nam nữ sinh viên các trường đại học của Mỹ. Tại đó, họ đã biểu diễn ca nhạc phòng, chống ma túy, diễn thuyết, nêu tác hại của ma túy làm hủy hoại thể lực, tinh thần và kêu gọi mọi người tích cực nêu cao tinh thần phòng, chống ma túy. Và từ đó, ngày 26/6 hàng năm được Liên Hợp Quốc lấy làm Ngày quốc tế phòng, chống lạm dụng ma túy.
Theo đó, tháng hành động phòng, chống ma túy 2018 được tổ chức xoay quanh chủ đề: Hãy bảo vệ thế hệ trẻ khỏi hiểm họa ma túy”. Mấy năm gần đây, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy đã và đang được tất cả các cấp, các ngành quan tâm và đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm phòng ngừa, đấu tranh để từng bước đẩy lùi loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm này.
Hiện nay, tệ nạn ma túy ở nước ta đã đến mức báo động. Nó thật sự trở thành hiểm họa, đe dọa đến cuộc sống bình yên của mọi người, mọi nhà và toàn xã hội. Ma túy đang trở thành mối quan tâm lớn của mỗi cá nhân và mỗi gia đình. Hơn thế nữa, tỷ lệ thanh thiếu niên học sinh đang có nguy cơ bị cuốn vào con đường nghiện ngập ma túy ngày càng cao. Đó cũng là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế xã hội, chính trị, văn hóa; gây mất trật tự an toàn xã hội, là nguồn gốc của nhiều loại tội phạm hình sự, như trộm cắp, lừa đảo, cướp của, giết người.Đồng thời, ma túy là con đường ngắn nhất dẫn tới HIV/AIDS do tiêm chính lén lút, chung đụng kim tiêm ở các tụ điểm với những người nghiện có sẵn vi rút HIV. Ở Việt Nam số con nghiện HIV/AIDS ngày một tăng và thời gian dẫn đến cái chết rất ngắn.
Hiện nay ở nước ta có đến hàng nghìn thanh thiếu niên nghiện ma túy và đang có nguy cơ tăng nhanh, thâm nhập vào học đường…v.v.. dự báo những năm tới, nếu chúng ta không làm tốt công tác giáo dục phòng chống ma túy thì tệ nạn này sẽ lan tràn, Việt Nam sẽ là một nước trong khu vực có số người nghiện ma túy cao, họ là nguy cơ tiềm ẩn phá hoại trật tự, an toàn xã hội.
Đối với thế hệ trẻ, việc thiếu hiểu biết về ma túy và tác hại của ma túy đã khiến họ có nhiều nguy cơ sử dụng ma túy hơn. Vì thế, thanh thiếu niên cần phải tự trang bị kiến thức tốt về lạm dụng ma túy và tác hại của nó. Bên cạnh đó, thanh thiếu niên cần học hỏi và thực hành các kỹ năng cá nhân và xã hội, ví dụ, kỹ năng đối phó với các khó khăn trong cuộc sống, kỹ năng đưa ra quyết định và kỹ năng từ chối sự cám dỗ sử dụng các chất ma túy và sức ép từ những bạn đồng trang lứa để có thể chống lại sự cám dỗ sử dụng ma túy. Đồng thời, những người trẻ cũng cần phải tham gia nhiều hơn vào các hoạt động giải trí, các ý tưởng, các hoạt động kinh tế, xã hội để có thể giúp các em tiếp cận nhiều hơn với các cơ hội và hình thành nhân cách của mình.
Gia đình, nhà trường, cộng đồng, công sở cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa sử dụng và lạm dụng ma túy, kể cả chất hướng thần mới và các chất kích thích dạng amphetamine (ATS). Sự gắn kết chặt chẽ của các bạn trẻ với những người cha, người mẹ biết quan tâm, với nhà trường và cộng đồng có nguồn lực và cách thức tổ chức tốt, là những yếu tố góp phần cho mỗi cá nhân giảm thiểu nguy cơ sử dụng ma túy cũng như có các hành vi tiêu cực khác
Hơn nữa, để đấu tranh, phòng, chống ma túy có hiệu quả và bảo vệ thế hệ trẻ khỏi hiểm họa ma túy, cần hành động quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn với nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện. Đặc biệt, tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng và lớp trẻ về tác hại của ma túy với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Nâng cao năng lực tự phòng, tránh cho đoàn viên, thanh niên để thanh thiếu niên có kỹ năng và lối sống lành mạnh, không bị bạn bè xấu lôi kéo, rủ rê, không thử tìm cảm giác lạ, tránh lối sống buông thả, sành điệu, học đòi và kiên quyết nói không với ma túy. Cần tuyên truyền nâng cao hiểu biết, các kỹ năng giáo dục, quản lý của các bậc phụ huynh để ngăn ngừa con em sa vào ma túy.