Hãy thay đổi nhận thức của người lớn để thay đổi nhận thức của trẻ về tầm quan trọng của thức ăn an toàn. Phụ huynh học sinh và thầy cô cần dạy trẻ những cách nhận biết thực phẩm sạch - thực phẩm không an toàn gây hại cho sức khỏe. Trong các bữa ăn thường ngày tại nhà, bữa ăn bán trú, các bậc phụ huynh và giáo viên cần giúp trẻ nhận biết các loại thực phẩm: Thịt như thịt lợn, thịt gà...; hải sản như tôm, cua, cá hay các loại rau, củ, quả về màu sắc, hương vị và cách kết hợp giữa chúng.
Trẻ cũng nên biết cách ăn khác nhau của từng loại thực phẩm và các cách chế biến như rán, luộc, làm bánh…. Qua đó, nếu có dấu hiệu bất thường gì về thực phẩm, trẻ cũng có thể phát hiện và tránh sử dụng những thực phẩm không đảm bảo chất lượng, quá hạn sử dụng, không rõ xuất xứ, nguồn gốc, đồ đóng hộp bị phồng rộp.
Thực phẩm quá hạn sử dụng và bị mốc.
Thực phẩm sạch cần đảm bảo màu sắc tươi tắn, đặc trưng không héo rũ, thâm đen, hoặc có màu sắc bất thường. Nhận diện một số loại hoa quả thông thường: nhìn bề mặt quả màu sắc quá bắt mắt hay lốm đốm đen, vỏ ngoài nhũn, không căng mọng, kích thước quả bất thường thì không được sử dụng.
Nhận biết thực phẩm sạch qua mùi vị: Đối với các loại hải sản, đặc biệt là cá, cần dạy trẻ biết nếu cá có vị tanh hơn, thịt màu bị nhạt, là những loại có chứa nhiều chất kháng sinh. Đối với các loại thịt khác như thịt lợn, thịt gà… cần nhắc nhở trẻ nếu ăn vào có mùi vị khác lạ so với thường ngày thì cần ngừng ăn, có ý kiến với giáo viên phụ trách lớp. Tương tự đối với hoa quả cũng vậy, nếu có mùi hắc, vị ngọt gắt hoặc nhạt quá trong khi vỏ chín vàng thì cần nhắc trẻ thận trọng, không được sử dụng.
Hướng dẫn học sinh 10 nguyên tắc vàng về chuẩn bị thức ăn an toàn.