Cũng giống như các bệnh cúm thông thường, cúm A rất dễ mắc nhưng lại có diễn biến nhanh và gây nguy hiểm đến tính mạng.
Khi giao mùa, khi thời tiết thay đổi thất thường là điều kiện thuận lợi để virus cúm A lây lan và có khả năng bùng phát ở bất kỳ vùng miền nào. Người mắc bệnh cúm A cũng có những biểu hiện dễ nhầm lẫn với bệnh cúm thông thường như sổ mũi, ho, hắt hơi, đau họng, toàn thân nhức mỏi.
Tuy nhiên, người bị cúm A lại có biểu hiện sốt rất cao, không dứt, dễ bị hôn mê sâu. Bệnh cúm A sẽ gây nên những biến chứng nguy hiểm nếu người bệnh không phát hiện và điều trị kịp thời.
- Biến chứng của cúm A
Suy hô hấp cấp: Người bị nhiễm virus cúm A thường có triệu chứng lâm sàng như khó thở, mạch đập nhanh, thở dốc, sốt cao, ho ra đờm đặc lẫn máu, khởi phát các bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Biến chứng phổi rất nguy hiểm, cần phải được phát hiện và xử lý kịp thời. Trường hợp biến chứng phổi chỉ xảy ra sau 4 – 14 ngày nhiễm cúm.
Với trẻ em, virus cúm A để lại những biến chứng nguy hiểm như:
Viêm xoang: Sau 4 – 6 ngày nếu phát hiện các triệu chứng đau tai, chảy mủ tai, đờm và dịch mũi màu vàng, ngạt mũi kéo dài cần đưa trẻ đi khám ở các cơ sở y tế kiểm tra.
Viêm tai giữa: Virus cúm A có khả năng xâm nhập vào phía sau màng nhĩ dễ khiến trẻ bị viêm tai giữa. Triệu chứng nhận biết như trẻ hay ngủ li bì, chán ăn, khóc, sốt, nước mũi xanh hoặc vàng đặc.
- Các đối tượng dễ mắc cúm A
Theo trang Thejournal cho biết, có một số đối tượng dễ mắc virus cúm A và dễ bị biến chứng khi mắc phải virus cúm A:
Người già trên 65 tuổi.
Những người bị bệnh mạn tính như bệnh tim, phổi, thận, gan hoặc bệnh thần kinh, HIV, tiểu đường hoặc những người có hệ miễn dịch suy yếu do điều trị hóa trị.
Những người sống trong các khu dân cư đông đúc, nơi có nguy cơ cao virus lây lan.
Phụ nữ mang thai ở bất kỳ giai đoạn thai kỳ nào.
Những người béo phí.
Trẻ em từ 0 – 6 tuổi.
Những người có khả năng miễn dịch thấp, các bệnh nhân ung thư.
Nhân viên y tế và người chăm sóc những người từng bị nhiễm virus cúm A.
- Cách phòng tránh virus cúm A hiệu quả
Không chỉ những đối tượng dễ mắc virus cúm A mà ngay cả những người bình thường cũng nên cẩn trọng khi dịch bệnh đang có xu hướng bùng phát trong mùa đông xuân.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm A gây nên. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và lây lan nhanh trong cộng đồng. Virus cúm A tồn tại khá lâu trong môi trường, có thể sống ở bất kỳ đâu như trên cơ thể người hay đồ vật, trong môi trường không khí từ 8 – 24 tiếng. Đặc biệt, virus sống lâu trong môi trường nước, có thể tồn tại đến 4 ngày trong môi trường nước ở nhiệt độ 22 độ C và sống đến 30 ngày ở nhiệt độ 0 độ C.
Giới chuyên môn khuyến cáo người dân nên tiêm vắc xin cúm A. Thời điểm tiêm thích hợp nhất là trước khi vào mùa có dịch cúm xảy ra.
Cục Y tế dự phòng và Bộ Y tế khuyến cáo
- Vệ sinh cá nhân, thường uyên rửa tay bằng xà phòng, dùng khăn tay hay khăn giấy để hắt hơi, ho.
- Thường xuyên lau chùi bề mặt vật dụng bằng hóa chất sát khuẩn thông thường.
- Tự theo dõi sức khỏe dựa trên các biểu hiện của bệnh để có hướng điều trị kịp thời.
- Những đối tượng dễ mắc cúm nên hạn chế đến các vùng dễ xuất hiện virus cúm A. Khi đi ra ngoài nên đi găng tay và đeo khẩu trang.
- Tránh tiếp xúc với người mắc hoặc nghi mắc bệnh cúm.
- Không tự ý tiêm vắc xin, tự ý sử dụng thuốc hay điều trị bệnh tại nhà. Khi phát hiện, nghi ngờ mắc virus cúm A cần phải tuân thủ theo hướng dẫn và phác đồ điều trị của các y, bác sĩ.