Tại Việt Nam, các bệnh về đường tiêu hóa đứng top đầu trong nhóm bệnh nội khoa. Khoảng 70% người Việt có nguy cơ mắc những bệnh này do nhiễm khuẩn Helicobacter pylori (HP).
Trong đó, rối loạn tiêu hóa là vấn đề thường gặp nhất song nhiều người vẫn chưa biết cách phòng tránh. Theo các kết quả nghiên cứu, hệ tiêu hoá của con người là một ống cơ dài đi từ miệng tới hậu môn và các cơ quan phụ đổ chất tiết vào ống tiêu hoá. Đó là các tuyến nước bọt, túi mật và tuyến tuỵ. Bộ máy tiêu hoá có bốn công việc chính: vận chuyển, nhào lộn thức ăn với dịch tiêu hoá; tiêu hoá thức ăn thành những phần nhỏ hơn; hấp thụ thức ăn đã tiêu hoá, chủ yếu diễn ra ở ruột; chuyển hoá các thức ăn đã được hấp thụ thành những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, chủ yếu diễn ra ở gan.
Để hoàn thành các chức năng trên, hệ tiêu hoá thực hiện các hoạt động nhào bóp, bài tiết dịch tiêu hoá, hấp thụ và đào thải. Do "đảm nhiệm" nhiều trọng trách nên các triệu chứng bệnh thường gặp của bộ tiêu hoá rất đa dạng, rải dọc theo ống tiêu hoá. Dưới đây là một số biểu hiện thường gặp về các bệnh tiêu hóa:
1. Đau: đây là triệu chứng rất hay gặp và quan trọng, luôn là triệu chứng chỉ điểm cho một tổn thương nhất định nào đó.
2. Rối loạn về nuốt: có thể là nuốt khó vì không đưa thức ăn vào thực quản được, hoặc đã vào thực quản nhưng khó đi tiếp xuống dưới, bị tắc nghẹn ở một chỗ nào đó. Cũng có thể là bị đau khi nuốt, đau ở phần họng hay đau ở chỗ dừng của thức ăn.
3. Nôn và buồn nôn: nôn là tình trạng các chất đang chứa trong dạ dày bị tống ra ngoài. Còn buồn nôn là cảm giác muốn nôn nhưng không nôn được.
4. Ợ: là tình trạng các chất đang chứa trong dạ dày, thực quản, kể cả chất hơi đi ngược lên miệng; là do rối loạn chức năng vận động của ống tiêu hoá. ợ có nhiều trạng thái phân biệt khác nhau: ợ hơi, ợ nước chua, ợ nước, ợ nước đắng và ợ cả thức ăn.
5. Rối loạn về phân, thể hiện những rối loạn về vận động, tiêu hoá hay hấp thụ. Có thể có các biểu hiện sau đây:
- Khối lượng phân quá nhiều hoặc quá ít; số lượng lần đi ngoài trong ngày cũng quá ít hay quá nhiều.
- Táo bón: phân khô, rắn và thường kèm theo bị đau bụng, chướng hơi.
- Ỉa chảy: phân nát, lỏng; sự tống phân nhanh và phân có nhiều nước.
- Phân sống: phân còn chứa thức ăn chưa được tiêu hoá trọn vẹn.
- Phân có mủ, máu, bọt: những trường hợp này thường là do nhiễm trùng. Rối loạn về dại tiện, gây khó đại tiện, đau hậu môn khi đại tiện hay mót rặn
6. Rối loạn về sự thèm ăn: không có cảm giác thèm ăn, đầy bụng, khó tiêu, ăn không ngon miệng và đắng miệng.
7. Hiện tượng đầy hơi trong ống tiêu hoá: biểu hiện thường thấy là trung tiện (đánh rấm) nhiều hay không trung tiện được hoặc là sôi bụng.
8. Hiện tượng chảy máu tiêu hoá: người bệnh nôn ra máu đỏ xẩm hoặc đỏ tươi, đôi khi kèm theo thức ăn hoặc đi ngoài ra máu tươi hay đen, nhầy máu như máu cá.
9. Hội chứng kém hấp thụ: biểu hiện trong phân có những thức ăn còn nguyên như chất mỡ và chất thịt.
Theo đó, bốn trường hợp rối loạn về đường tiêu hoá thường gặp nhất là: tiêu chảy, táo bón, đầy bụng, kém hấp thụ. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người vẫn chưa biết cách xử lý và phòng tránh các bệnh tiêu hóa, khiến tỷ lệ người mắc những bệnh này ngày càng nhiều. Chuyên đề "Điều trị rối loạn tiêu hóa" do VnExpress phối hợp với nhãn hàng Air-X của Công ty Liên doanh Dược phẩm Mebiphar Austrapharm tổ chức sẽ cung cấp cho độc giả những thông tin căn bản về các phương pháp nhận biệt, phòng ngừa và chữa trị các bệnh lý trên.
Nguyên nhân
- Thường diễn ra vào thời điểm giao mùa giữa hè sang thu, thời tiết thay đổi đột ngột, sự chênh lệch lớn nền nhiệt giữa ngày và đêm đã tạo điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn gây tiêu chảy có cơ hội bùng phát. Cha mẹ không kiểm soát được thói quen ăn quà vặt, hàng rong cũng là một trong những nguyên nhân làm trẻ dễ nhiễm bệnh này.
- Trong khi đó, trẻ chưa ý thức về việc giữ vệ sinh cá nhân như rửa tay sau khi đi vệ sinh, trước khi ngồi vào bàn ăn nên rất dễ bị tiêu chảy. Bên cạnh đó, trẻ chưa thích nghi với chế độ ăn uống, sinh hoạt mới ở trường, điều này cũng có thể dẫn đến tình trạng rối loạn tiêu hoá, tiêu chảy, nhất là ở những trẻ trong độ tuổi học mẫu giáo.
- Tiêu chảy tuy là bệnh thông thường, nhưng nếu không được xử lý kịp thời và đúng cách sẽ dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm cho sức khoẻ của trẻ. Đặc biệt, cơ thể mất nước có thể gây sốc, truỵ tim, nguy cơ suy nhược cơ thể và viêm niêm mạc ruột.
Cách phòng tránh
- Khi đã nhận diện rõ nguyên nhân gây tiêu chảy, phụ huynh sẽ biết cách giúp con phòng tránh bệnh hiệu quả: Hướng dẫn trẻ giữ vệ sinh tay đúng cách; hạn chế ăn quà vặt, hàng rong kém vệ sinh; vận động rèn luyện thể lực, có chế độ ăn đủ chất để nang cao sức đề kháng cho cơ thể…
- Trong trường hợp trẻ bị tiêu chảy, mẹ cần nắm vững cách chăm sóc và xử lý giúp con nhanh chóng khắc phục để việc học không bị gián đoạn. Phụ huynh nên bổ sung nước cho trẻ, vì tiêu chảy làm cơ thể trẻ mất nước rất nhanh. Ngoài nước thông thường, mẹ có thể cho trẻ uống thêm nước cháo loãng, nước súp…
- Phụ huynh cần cho trẻ ăn đủ chất, tránh kiêng khem sẽ làm cơ thể con suy kiệt, nguy cơ suy dinh dưỡng về sau. Bên cạnh đó, để hệ tiêu hóa của trẻ dễ dàng hấp thu, phụ huynh hãy ưu tiên các món ăn mềm, chia nhỏ bữa giúp dễ tiêu hoá hơn.
- Ngoài ra, phụ huynh hãy trao đổi thêm với giáo viên về tình trạng tiêu chảy của trẻ để đảm bảo bé nhận được sự quan tâm theo dõi và chăm sóc đầy đủ khi ở trường. Mẹ cũng không nên tự ý dùng kháng sinh cho trẻ, vì kháng sinh chỉ có tác dụng khi tiêu chảy do nhiễm khuẩn. Với trường hợp do virus Rota, kháng sinh không có tác dụng mà chỉ khiến hệ sinh thái đường ruột bị mất cân bằng, bệnh thêm lâu khỏi.
- Thuốc cầm tiêu chảy nhanh chỉ tạo ra hiện tượng hết bệnh giả, các vi khuẩn, virus gây bệnh vẫn còn giữ lại ở ruột, không được đào thải ra ngoài, lâu ngày có thể dẫn đến tình trạng tắc ruột, viêm ruột. Vì vậy, phụ huynh cần hạn chế cho trẻ sử dụng.
- Khi bị tiêu chảy, niêm mạc ruột rất dễ bị tổn thương dẫn đến các biến chứng về sau. Đó là lý do các chuyên gia khuyên người bệnh nên chọn thuốc chữa tiêu chảy chứa hoạt chất Diosmectite. Chất này vừa điều trị tiêu chảy hiệu quả, vừa có khả năng bảo vệ niêm mạc ruột, hấp phụ hết các vi khuẩn, virus và độc tố trong đường ruột để thải ra ngoài giúp hết bệnh nhanh. Thuốc cũng an toàn cho cả trẻ em, người lớn và phụ nữ có thai.