Bệnh ngộ độc do ăn phải sắn độc, nhân dân ta thường gọi là say sắn. Trong sắn chứa acid cyanhydric (HCN) có độc tính tương đối cao. Người lớn (nặng khoảng 50kg) hấp thu khoảng 20mg chất này sẽ bị ngộ độc và 50mg sẽ tử vong. Chất HCN có chủ yếu trong lá, vỏ cây và vỏ củ sắn.
Ước tính, các giống sắn ngọt có 80- 110mg HCN/kg lá tươi và 20- 30mg/kg củ tươi. Các giống sắn đắng chứa 160- 240mg HCN/kg lá tươi và 60- 150mg/kg củ tươi. Ngộ độc sắn chính là ngộ độc cyanide có trong sắn, còn gọi là hydrocyanic acid gây ngạt và thiếu oxy tế bào. Người bị ngộ độc do ăn phải sắn rửa và ngâm không kỹ, ăn cả vỏ hoặc luộc sắn còn cả vỏ. Nếu bóc vỏ sắn và ngâm nước trước khi luộc thì chất độc sẽ mất đi. Ngộ độc sắn nặng hơn ở trẻ em và người suy dinh dưỡng, đặc biệt là nếu ăn khi đói hoặc ăn quá nhiều.
1. Biểu hiện lâm sàng của một ngộ độc sắn.
a) Ngộ độc cấp tính - nặng
Bệnh nhân mới đầu thấy nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, sau đó là biểu hiện của rối loạn thần kinh, bệnh nhân sợ hãi, co giật, co cứng cơ giống như một bệnh uốn ván, dàn đồng tử, nhịp thở chậm dần, tím tái... Nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân sẽ chết sau 30 phút. Ngược lại, nếu được cấp cứu kịp thời bênh nhân khỏi hoàn toàn không để lại di chứng.
b) Ngộ độc nhẹ:
Bệnh nhân chỉ thấy nhức đầu chóng mặt buồn nôn, mệt mỏi toàn thân, mũi họng khô, chỉ cần cho nằm nghỉ, uống một cốc nước đường nóng thì sẽ trở lại bình thường.
2. Xử lý cấp cứu.
Khi thấy người có biểu hiện say sắn, tốt nhất là để họ nôn hết ra, tống chất độc ra ngoài. Sau đó cho uống nước đường (tốt nhất là đường Glucose 30 – 50%) hoặc nước mía rồi nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất
Khi điều trị, bệnh nhân sẽ được các bác sỹ tiếp tục loại trừ chất độc: Rửa dạ dày bằng nước muối sinh lý, uống than hoạt tính sớm và dùng thuốc nhuận tràng. Một số biện pháp như truyền dịch, cân bằng điện giải, dùng thuốc trợ tim hoặc cắt cơn co giật để đảm bảo hô hấp.
Nếu bệnh nhân trong trạng thái hôn mê sâu, khó thở bác sỹ sẽ phải cho thở bình oxy và dùng thuốc giải độc. Nếu bệnh nhân có biểu hiện suy thận, bác sỹ sẽ tiến hành lọc thận nhân tạo.
Cách phòng tránh ngộ độc sắn:
– Lột sạch vỏ rồi ngâm vào nước, tốt nhất là nước gạo;
– Đầu củ chứa nhiều độc nên phải cắt bỏ;
– Luộc đến lúc sôi thì mở vung cho chất độc thoát ra;
– Khi luộc nên thay nước 2 – 3 lần để loại bỏ chất độc;
– Nên ăn sắn với đường hoặc mật để trung hòa độc tố trong sắn;
– Không nên ăn vào buổi tối vì có thể các triệu chứng ngộ độc xảy ra vào ban đêm sẽ không phát hiện kịp hoặc không kịp thời đưa đi cấp cứu;
– Không nên ăn quá nhiều, đặc biệt là trẻ em;
– Không ăn sắn lúc đói vì sẽ dễ bị ngộ độc hơn;
– Nếu thấy sắn có vị đắng thì không được ăn nữa;
– Với món lá sắn muối chua, phải rửa lá thật sạch, ngâm nước lâu hoặc luộc kỹ trước khi ăn;
– Sắn nướng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các vụ ngộ độc sắn. Vì vậy tốt nhất không nên ăn theo kiểu này.